Hà Tĩnh ngày trở lại

(Dân trí) - Qua phà Bến Thủy ngày xưa là cả một nỗi đợi chờ dằng dặc, nhưng cũng là một niềm phấn khích nho nhỏ khi thấy con phà lướt nhè nhẹ trên mặt nước sông Lam thơ mộng, nghe sóng vỗ ì oạp bên thân phà.

 

 
Mặt đường thành phố thông thoáng hơn xưa.
Mặt đường thành phố thông thoáng hơn xưa.


Cái cảm giác lâng lâng thư thái khi hòa mình giữa trời nước mênh mang.

 

Nhưng giờ đây cảm giác lãng mạn ấy không còn nữa. Thay vào đó là cây cầu bêtông kiên cố được khánh thành từ những năm đầu 90. Bụi trắng bay bám vào kính, thân xe lấm chấm. Xe ôtô, xe máy thi nhau nhả đủ loại khói màu xanh, đen khét lẹt. Mặt đường vài nơi đã có hiện tượng sủi vì vá víu và lổn nhổn đá dăm nên hơi xóc. Bởi thế, cây cầu Bến thủy số 2 đã ra đời cách đó không xa, để giảm mật độ xe lưu thông.

 

Bên này là Vinh thì bên kia là mảnh đất Hà Tĩnh địa linh nhân kiệt. Hiển hiện ngay trước mắt tôi là dãy núi Hồng lĩnh sừng sững ngàn đời nay với tiếng reo của rừng thông rì rào quen thuộc. Anh tôi cho xe chạy chầm chậm để tôi có thể từ từ quan sát cảnh vật, người xưa, nơi mảnh đất mà một thời tôi cũng đã từng có nhiều kỉ niệm. Xa Hà Tĩnh chừng ấy năm, nay mới có dịp trở lại thăm, lòng cứ cảm thấy xốn xang lạ.

 

Nhớ có lần đi lấy tư liệu phục vụ cho bài viết trong phong trào chống tiêu cực: “Những việc cần làm ngay” vào những năm 80, khi đi ngang qua vùng Can lộc, trời về trưa oi nồng, người đang mỏi mệt, cơn buồn ngủ ở đâu ập về thế là vừa đạp chiếc xe đạp cà khổ vừa ngủ gật đến nỗi lao xuống cả ruộng lúa, may mà chỗ đó hơi khô và mềm vì lúa nên không sao! Thật hú vía.

 

Đã bao lần chúng tôi xuống các cơ quan từ hàng huyện đến xã (thời kì chưa chia tỉnh Nghệ Tĩnh) làm việc thâu đêm. Nhớ mãi đêm đó, giữa đồng không mông quạnh nơi có cái lều vịt, cán bộ xã thấy anh em làm việc vất vả đã chiêu đãi một chầu trứng vịt lộn nóng hôi hổi thơm mùi cay của gừng, mằn mặn cay cay của muối tiêu, ớt, gừng, thơm cay của rau răm, nồng nồng của rượu “quốc lủi” vừa cất từ lò ra, âm ấm mà hơi đùng đục và hãy còn sủi tăm, uống vào tê tê cả luỡi, người cứ bồng bềnh, đê mê…

 

Trong không gian tĩnh mịch của đêm hè đầy sao ở giữa cánh đồng, lao xao tiếng gió trời, xào xạc những thanh âm của lúa đương thì con gái, tiếng rỉ rích của côn trùng, ếch nhái ồm oàm, cá quẫy tanh tách, thỉnh thoảng vài chú vịt hay ả vịt giật mình lại ngân lên cạc cạc! Rượu vào, trứng thơm ngon, không gian yên tĩnh mát mẻ, những câu chuyện trên trời dưới đất cứ nổ như ngô rang! Quả là một kỉ niệm khó quên.

 
Một góc phố
Một góc phố

Rồi bao lần là khách mời của những đêm hội diễn trong phong trào ca hát văn nghệ quần chúng ở thị xã, huyện. Những ngày đêm đi vào các huyện đoàn Cẩm xuyên, Thạch hà, Can lộc…để viết bài. Vui lắm. Nhiều lúc nghĩ làm cái anh phóng viên báo đoàn cũng có cái thú, nhất là có “máu lãng tử” như tôi. Mới đó mà đã hơn ba chục năm có lẻ rồi!

 

Vẫn con đường quốc lộ 1A này, nhưng ngày nay đã thoáng hơn (mở rộng làn đường thêm khoảng một nửa so với trước), nhựa trải nhiều hơn, song vẫn cảm thấy chật chội. Bởi hai dòng xe chạy xuôi ngược quá sát nhau. Tai nạn rất dễ xảy ra, khi mà xe máy, xe đạp, công nông, trâu bò, người đi bộ…vẫn nghênh ngang thậm chí lấn cả làn xe ôtô, đến nỗi còi xe cứ phải bóp inh ỏi. Nhiều quãng qua trường học, khu dân cư làm chúng tôi không khỏi rùng mình khi thấy các em học sinh dàn hàng hai, hàng ba bá cổ cười nói thản nhiên đạp xe đi giữa tiếng xe ôtô xuôi ngược rầm rầm?!

 

Hai bên đường xưa kia là ruộng lúa nhiều hơn thì nay là nhà dân san sát, nhất là ở các thị trấn, thị xã mở rộng. Đủ các loại quán ăn uống, tiệm sửa xe, tạp hóa, nhà nghỉ…Tôi có cảm giác bất an khi thấy nhà dân ở sát đường quá, đến cái taluy ngăn cách cũng chẳng có? Thật là nguy hiểm. Nói dại, ngộ nhỡ bọn trẻ con chơi trò đuổi bắt nhau mà vô tình khi xe lao qua thì sao đây? Hay những anh tài xế say rượu cứ nhè cột điện, nhà dân mà vào “thăm”?! Chưa kể bụi đường thì cứ tung lên phủ trắng xóa, có cảm tưởng như mọi người đã quen cái cảnh “sống chung với bụi” rồi hay sao ấy?!

 

Tuy nhiên, ở nhiều quãng mà chúng tôi đi qua được chứng kiến cảnh ngành giao thông đang tích cực mở rộng làn đường sau khi đã giải tỏa được mặt bằng từ những thửa  ruộng của người dân. Máy xúc bùn đang tích cực thi công. Như vậy diện tích bề rộng của mặt đường sắp tới sẽ tăng lên gấp hai, tạo nên làn đường một chiều thông thoáng hơn. Hi vọng một ngày không xa trên toàn tuyến đường quốc gia số 1A xuyên suốt Bắc – Nam sẽ là đường một chiều với 2 làn xe chạy và liệu có đạt trình độ tiêu chuẩn như Âu châu? Hai bên đường cây xanh nên tỏa bóng mát nhiều hơn. Nhà cửa nên ở xa mặt đường hơn hiện nay nhằm đảm bảo an toàn.

 

Thành phố Hà Tĩnh đã lột xác! Tôi bỡ ngỡ vì không tài nào nhận ra cái thị xã Hà Tĩnh bé nhỏ ngày xưa – chủ yếu là nằm theo trục đường chính Phan Đình Phùng cắt vuông góc với quốc lộ 1A. Hồi đó thị xã lèo tèo lắm, độ vài chục ngàn dân? Ngày nay thị xã Hà Tĩnh đã được nâng cấp lên thành phố của tỉnh Hà Tĩnh. Diện tích 56,19 km vuông (mở rộng phải đến gấp 4 lần?). Dân số 117.546 người, mật độ 2.092 người/km vuông (những con số thống kê ở trên được tính đến 09 giờ 50 phút ngày 9.9.2012).

 

Đến cái Nhà hát Nhân dân ngoài trời cũ kĩ cũng không còn nữa bởi nó đã bị đập bỏ đi và thay thế vào đó là cái nhà văn hóa 5 tầng kiểu cách. Sau lưng nhà hát cũ ngày trước là cái hồ cá to lớn mà ngày xưa cá lớn cá bé thi nhau đớp mồi bơi lội tung tăng thì nay chỉ còn độ 1/2? Bởi hồ đã bị lấp bớt. Thế vào đó là những nhà dân. Hồ không còn trong xanh như trước, bèo tấm phủ gần kín mặt hồ và cỏ dại mọc có vẻ nhiều hơn, thậm chí ven bờ tôi thấy có rác rưởi? Hàng rào bê-tông lại bao quanh, tại sao vậy? Giá như để cho mặt hồ thoáng đãng, xung quanh hồ xây bờ kè, trồng cây xanh cho bà con đi dạo, dưới hồ thả cá cho bơi lội tung tăng. Tôi biết có vài chỗ trong thành phố cũng có hồ, nhưng không vì thế mà bỏ phí cái hồ này, vốn dĩ nó có từ rất lâu rồi. Phải chăng thành phố đã có dự án gì với cái hồ này, hay mai mốt lại là những căn nhà mọc lên?

 

Thăm một gia đình người quen ở ngay sau lưng nhà hát cũ, sát hồ nước – tôi thích dùng cái cụm từ “nhà hát cũ” này, bởi nó là kỉ niệm của dân thị xã Hà Tĩnh cũ và cũng là của tôi bởi cái ngày đó đã lâu lắm rồi, hơn 30 năm về trước, cái thời mà mỗi lần có chương trình ca nhạc, cải lương tuồng chèo hay phim ảnh ngoài trời là mọi người lại được dịp gặp gỡ thưởng thức.

 

Gặp nhau mừng mừng tủi tủi…Thấy bác T. nay tuy đã già, 83 tuổi rồi nhưng vẫn còn khỏe mạnh minh mẫn, tôi mừng lắm! Mấy anh em tay bắt mặt mừng, ôn cổ tri tân…Nhớ ngày xưa một mình bác T. (chồng mất sớm) cặm cụi hàng ngày nắng cũng như mưa suốt 4 mùa xuân hạ thu đông với gánh nước chè xanh, dăm bao thuốc lá, thuốc lào, hộp diêm, vài phong kẹo quê, nải chuối…vậy mà bác vẫn nuôi được cả 4 đứa con ăn học nên người, dựng vợ gả chồng xây nhà xây cửa đàng hoàng. Thật là xúc động, thế mới biết người phụ nữ Việt Nam đảm đang như thế nào. Sau bữa cơm thân mật, tôi “bắt” thằng cu em (con bác T.) chở một vòng quanh thành phố để xem cảnh xưa và nay ra sao?

 

Phải nói là thành phố đẹp và rộng lên nhiều lắm (tuy nhiên vẫn có nhiều nơi còn luộm thuộm chắp vá và cả dang dở?). Mừng cho người dân đã có cuộc sống khang trang hơn trước. Nhà cửa 2, 3 tầng san sát. Cửa hiệu mọc nhan nhản, kinh doanh đủ các mặt hàng. Nhưng cảnh dây điện vắt vẻo trên cây từng chùm như mạng nhện thì có lẽ chưa có nơi nào ở ta xử lí được? Các cơ quan, đoàn thể cơ ngơi rất bề thế. Chợ búa buôn bán tràn ngập hàng hóa nội ngoại, tuy nhiên xung quanh chợ vẫn còn chưa đẹp mắt lắm. Có thể nói đất nước ta từ dạo đổi mới kinh tế (những năm cuối 90 đầu 2000) đã khởi sắc thật sự - nhất là thành thị. Người dân ăn ngon mặc đẹp hơn. Tuy rằng “chỗ nọ chỗ kia”…vẫn còn nhiều khiếm khuyết cần khắc phục, chắc chắn rồi sẽ từ từ thay đổi trong tương lai không xa? Nhìn chung thì đạt được thành quả như vậy là đã hết sức cố gắng lắm rồi.

 

“Hà Tĩnh mình thương”, “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh”…bao câu hát ngọt ngào  cứ ngân nga mãi trong tâm trí tôi trong một chiều đông lãng đãng ở xứ quê của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du với thi phẩm “Truyện Kiều” bất hủ; của mười cô gái thanh niên xung phong ở Ngã 3 Đồng lộc anh hùng; của kẹo lạc cu-đơ nổi tiếng về ẩm thực; của những chiếc áo tơi đội mưa đội nắng đã đi vào thơ ca nhạc họa; của những người dân cần cù chịu thương chịu khó mà làm nên bao sự tích thần kì!

 

 

Vinh – Hà Tĩnh, một chiều đông đầu năm 2013

Võ Hoài Nam