GS Trịnh Xuân Thuận nhận Giải thường văn chương Cino del Duca

Trịnh Xuân Thuận được coi là nhà văn, nhà khoa học giàu phẩm chất nhân văn, có trí tuệ kết tinh của ba nền văn hóa: Việt Nam, Pháp và Mỹ.

 

Vào lúc 15h (giờ Paris, tức 18h giờ Hà Nôi) ngày thứ tư 6/6/2012, tại Viện Hàn lâm Pháp - viện hàn lâm lâu đời nhất trong số 5 viện hàn lâm thuộc Học viện Pháp quốc - GS Trịnh Xuân Thuận đã được trao tặng Giải thưởng thế giới Cino del Duca của Học viện Pháp quốc, kèm theo số tiền 300.000 euro.

 

Học viện này cho  biết GS Trịnh Xuân Thuận đã viết nhiều cuốn sách phổ biến tri thức khoa học cho công chúng rộng rãi với cái nhìn của một nhà văn, nhà khoa học giàu phẩm chất nhân văn, cộng thêm hiểu biết chuyên sâu của một nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới.

 

Giải thưởng thế giới Cino del Duca là sự vinh danh quốc tế tiếp sau một số giải thưởng danh giá khác mà GS Trịnh Xuân Thuận đã nhận được trước đó.

 

GS Trịnh Xuân Thuận ký tên lưu niệm vào cuốn sách mà ông là tác giả.

GS Trịnh Xuân Thuận ký tên lưu niệm vào cuốn sách mà ông là tác giả.

 

Tháng 11/2007, ông đã được tặng Giải thưởng Lớn Moron 2007 của Viện Hàn lâm Pháp, kèm theo số tiền 5.000 euro, cho cuốn sách Những con đường của ánh sáng - vật lý và siêu hình học của ánh sáng và bóng tối, dày 750 trang, viết bằng tiếng Pháp, do Nhà xuất bản Fayard in ở Paris. Cuốn sách này được đánh giá là bản sử thi về cuộc hành trình của con người đi vào “vương quốc ánh sáng” và giải mã những bí mật của nó. Giải thưởng Lớn Moron được coi như Giải thưởng Polutzer ở Mỹ, và thường được trao cho các tác phẩm triết học hơn là khoa học. Tuy nhiên, Trịnh Xuân Thuận luôn viết về khoa học với cái nhìn triết học thâm thúy.

 

GS Trịnh Xuân Thuận ký tên lưu niệm vào cuốn sách mà ông là tác giả.

GS Trịnh Xuân Thuận giảng dạy vật lý thiên văn tại Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Hàm Châu)

 

Gần hai năm sau, ngày 5/11/2009, tại Diễn đàn Khoa học thế giới ở thủ đô Budapest (Hungary), UNESCO trao tặng Giải thưởng Lớn Kalinga 2009 về phổ biến tri thức khoa học cho Trịnh Xuân Thuận (người Mỹ gốc Việt) và Yash Pal (người Ấn Độ). Giải thưởng bao gồm giấy chứng nhận, huy chương Albert Einstein của UNESCO, kèm theo số tiền 5.000 bảng Anh. 

 

Giải thưởng Kalinga được lập ra từ năm 1952. Người đầu tiên được trao giải thưởng này là nhà vật lý Pháp Louis de Broglie (Giải thưởng Nobel). Nhiều người về sau được tặng Giải thưởng Kalinga cũng là những nhà khoa học rất nổi tiếng như: Bertrand Russell (người Anh, Giải thưởng Nobel), Sergei Kapitsa (người Nga, Giải thưởng Nobel), George Gamow (người Mỹ gốc Nga, nhà bác học mà, theo Stephen W. Hawking, giáo sư Đại học Cambridge [Anh], đánh giá, đã ba lần để “tuột mất” Giải thưởng Nobel), v.v.

 

GS Trịnh Xuân Thuận nói chuyện tại

GS Trịnh Xuân Thuận nói chuyện tại Paris, Pháp.

 

Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948 tai Hà Nội, quê ở xã Mai Lâm, huyện Đông Anh. Thời trẻ, ông theo học Trường trung học Pháp Jean-Jacques Rousseau (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn) ở Sài Gòn cũ. Ông tốt nghiệp cử nhân vật lý tại Học viện Công nghệ California, bảo về luận án tiến sĩ tại Đại học Princeton và, về sau, trở thành giáo sư vật lý thiên văn tại Đại học Virginia, đồng thời, là nghiên cứu viên của Viện Vật lý thiên văn Paris, giáo sư thỉnh giảng Trường đại học liên ngành Paris.

 

Là nhà vật lý thiên văn lỗi lạc, ông đã công bố 230 bài báo khoa học và 8 cuốn sách phần lớn là best-seller. Tất cả các cuốn sách ấy đều viết bằng tiếng Pháp, sau đó, được dịch ra hơn 20 thứ tiếng khác trên thế giới, kể cả nhiều thứ tiếng châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam.

 

Cuối năm 2004, nhờ sử dụng kính thiên văn trong không gian Hubble, Trịnh Xuân Thuận đã khám phá ra thiên hà trẻ nhất trong Vũ trụ quan sát được: Thiên hà I Zwicky 18. Khám phá này gây một tiếng vang rộng rãi trong giới báo chí quốc tế.

 

Giải thưởng Cino del Duca được lập ra từ năm 1969 ở Pháp do bà Simone del Duca (1912-2004) theo di huấn của người chồng là Cino del Duca (1899-1967). Năm 1975, bà Simone del Duca lập ra Quỹ Cino del Duca. Sau khi bà qua đời, quỹ này được đặt dưới sự quản lý của Học viện Pháp quốc.

 

Theo nhận xét của học giả Pháp François Busnel thì Trịnh Xuân Thuận - mà người Pháp quen gọi một cách thân mật là “TXT” - là nhà văn, nhà khoa học có trí tuệ kết tinh của ba nền văn hóa: Việt Nam, Pháp và Mỹ. Ở ông, ta cảm nhận được minh triết sáng ngời của Thích Ca Mâu Ni, Khổng Tử, Lão Tử, tinh hoa của văn hóa Pháp thế kỷ Ánh sáng, cũng như tư tưởng khoáng đạt của Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson (1743-1826) - người sáng lập Đại học Virginia, nơi GS Trịnh Xuân Thuận giảng dạy.

 

Theo Hàm Châu

DVT