Cuộc đoàn tụ xúc động trên đất Việt của cô bé mồ côi

(Dân trí) - Julie Davis, người đã có mặt trên một chuyến bay di tản từ Sài Gòn, Việt Nam tới Seattle, Mỹ trong "chiến dịch không vận trẻ em" năm 1975, đã chia sẻ câu chuyện xúc động về chuyến đi tìm về nguồn cội của cô vào năm 2003.

Julie Davis (phải) đã gặp lại bà sơ Emilienne (trái) trong chuyến trở lại Việt Nam năm 2003. (Ảnh:
Julie Davis (phải) đã gặp lại bà sơ Emilienne (trái) trong chuyến trở lại Việt Nam năm 2003. (Ảnh: Kuow/Julie Davis)
 
Theo trang Kuow, Julie mới 1 tuổi khi chiếc Boeing 747 đưa cô và hàng trăm đứa trẻ khác rời khỏi Sài Gòn. Họ đã tới Seattle, Houston và Minneapolis.

30 năm sau đó, Julie đã trở lại Việt Nam để tìm trại trẻ mồ côi, nơi cô từng sống sau khi chào đời.

Julie tới thành phố biển Quy Nhơn, nơi có Viện mồ côi Ghềnh Ráng năm nào. Bề ngoài của tòa nhà hầu như không thay đổi, nhưng trại trẻ giờ đây không còn. Julie đã nghĩ rằng đó là cái kết cho chuyến trở về Việt Nam.
 
Những đứa trẻ mồ côi tại trại Ghềnh Ráng. (Ảnh:
Những đứa trẻ mồ côi tại trại Ghềnh Ráng. (Ảnh: Kuow/Julie Davis)

Nhưng người hướng dẫn viên nhiệt tình của Julie đã kiên nhẫn hỏi mọi người về một bà sơ có tên là Emilienne.

Nhịp cầu kết nối tìm lại người thân

 

Theo đề nghị của bạn đọc, báo Dân Trí sẽ làm cầu nối để đăng tải thông tin nhằm giúp những người con Việt Nam trong “chiến dịch không vận trẻ em” năm 1975 tìm lại thân nhân. Độc giả trong và ngoài nước quan tâm, có những thông tin hay câu chuyện về chiến dịch này, hãy chia sẻ với chúng tôi. Thư xin gửi về địa chỉ thegioi@dantri.com.vn. Chân thành cảm ơn! (Thư có thể viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh).

Julie biết tới Sơ Emilienne thông qua các tài liệu do tổ chức nhận con nuôi cung cấp. Nếu không có Emilienne chăm sóc, Julie có thể đã không còn sống để có mặt trên chuyến bay rời Sài Gòn. Nhưng trước khi trở lại Việt Nam, Julie không nghĩ sẽ tìm thấy Emilienne, vì cho rằng bà có thể đã chết hoặc rời đi nhiều năm trước.

Cuối cùng, người hướng dẫn viên đã đưa Julie tới một tu viện nơi Sơ Emilienne từng sống.
 
Khi một phụ nữ Việt dáng người nhỏ nhắn xuất hiện, hướng dẫn viên giới thiệu tên khai sinh của Julie là Nguyen Thi Thanh Truc. Ngay lập tức, bà nhận ra Julie là ai. Quá xúc động, bà ôm lấy Julie như thể cô là con bà vậy.

Bà nắm lấy tay Julie không buông. Những ký ức của năm 1975 hiện lên trong bà như thể mọi chuyện vừa mới xảy ra hôm qua.

Theo lời kể của Sơ Emilienne, Julie được đưa tới trại mồ côi từ bệnh viện. Khi đó, cô bé vẫn còn nguyên dây rốn, và mẹ của cô rất yếu. Sơ cắt dây rốn cho cô bé và đặt cho cô họ Nguyễn.

Sơ cho biết rằng kể từ năm 1975, có tới 4 hoặc 5 người từng sống tại trại trẻ mồ côi Ghềnh Ráng đã trở lại tìm bà. Nhưng trong nhiều năm, bà đã tự hỏi tại sao Julie không quay trở lại. Bà từng nghĩ rằng có thể Julie sẽ không bao giờ quay lại.
 
Một bức ảnh tư liệu về trại mồ côi Ghềnh Ráng, nơi Julie từng sống khi mới chào đời. (Ảnh:
Một bức ảnh tư liệu về trại mồ côi Ghềnh Ráng, nơi Julie từng sống khi mới chào đời. (Ảnh: Kuow/Julie Davis)
 
Tòa nhà không thay đổi nhiều khi Julie trở lại đây vào năm 2003. (Ảnh:
Tòa nhà không thay đổi nhiều khi Julie trở lại đây vào năm 2003. (Ảnh: Kuow/Julie Davis)
 
"Tôi tự hỏi điều gì đã xảy ra với cô, cô đang làm gì? Cô có ổn không và có gia đình riêng chưa?", Sơ kể lại.

Sơ Emilienne mong muốn một ngày nào đó bà sẽ được sống với Julie tại tu viện. Bà nói sẽ giúp Julie tìm việc làm. Julie cảm thấy ấm lòng khi nghe lời tâm sự này.

Sơ Emilienne tỏ ra xúc động hơn Julie nhiều bởi có thể bà có quá nhiều điều để nhớ. Sơ khi ấy đã trưởng thành và đó cũng là một thời kỳ bi tráng trong lịch sử Việt Nam. Phải tạm biệt tất cả những đứa trẻ tại trại mồ côi và trải qua những nỗi đau của chiến tranh hẳn không phải điều dễ dàng với bà.

Khi chia tay những đứa trẻ mồ côi, Sơ Emilienne đã bật khóc và nói rằng bà không thể rời đi. Bà nói còn quá nhiều những đứa trẻ ốm yếu bị bỏ lại - những đứa trẻ không đủ sức khỏe để trải qua một chuyến bay dài. Sơ không thể bỏ rơi chúng.

Julie cảm thấy cô mang ơn Sơ Emilienne rất nhiều. Sơ đã dũng cảm và tận tụy, kêu gọi các tổ chức và chính quyền địa phương trợ giúp những đứa trẻ mồ côi.

"Sơ đã thực sự vạch ra đường đời của chúng tôi và cho chúng tôi một cơ hội. Bà đã sẵn sàng hi sinh cơ hội đó của mình", Julie nói.

Julie và Sơ Emilenne đã trao đổi địa chỉ email và hứa viết thư. Sơ cũng mong được xem ảnh của Julie thời niên thiếu.

Sau bao năm xa cách, Julie muốn tin rằng cô đã có thể thu hẹp khoảng cách về cuộc sống và văn hóa giữa hai nước. Khi tạm biệt Sơ Emilenne, Julie đã không giấu được nỗi buồn, vì cô biết có thể còn lâu mới có thể quay trở lại, không biết khi nào.

Julie cho hay cuộc hành trình trở lại Việt Nam đã khiến cô nghĩ tới việc làm thế nào để nuôi dạy con gái và cô muốn sống cuộc đời còn lại ra sao. Chuyến đi đã thay đổi suy nghĩ của cô về bản thân và quá khứ.
 
Julie, hiện đang sống tại Minneapolis (Mỹ), chụp ảnh cùng con gái. (Ảnh:
Julie, hiện đang sống tại Minneapolis (Mỹ), chụp ảnh cùng con gái. (Ảnh: Kuow/Julie Davis)

Trong nhiều năm, Julie đã sống trong mặc cảm. Cô từng mặc cảm khi là một người gốc Việt, mặc cảm vì là một đứa trẻ mồ côi được nhận làm con nuôi.

Nhưng chuyến trở lại Việt Nam và cuộc gặp gỡ với Emilienne đã thay đổi suy nghĩ của Julie về chuyện nhận con nuôi và cả chuyện là một người Việt Nam.

"Tôi trở lại Việt Nam để khép lại một chương trong cuộc đời và không nhận ra rằng một chương mới sẽ bắt đầu. Tôi không biết tương lai của tôi với Việt Nam ra sao, nhưng tôi biết trải nghiệm này giúp tôi luôn nhớ rằng tôi là một người Mỹ, được nhận làm con nuôi, và quan trọng nhất là tôi là một người Việt Nam", Julie tâm sự.

An Bình