Từ vụ học sinh đuối nước: Nên chọn kĩ năng sống nào dạy cho trẻ?

(Dân trí) - Vụ đuối nước trẻ em đau lòng xảy ra sáng 15/4/2016 (tại sông Trà Khúc, thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi) khiến triệu người bàng hoàng, xót xa. Một câu hỏi đặt ra, cần chọn kĩ năng nào để giáo dục trẻ em cho phù hợp khi nhiều trường hợp đau lòng xảy ra về đuối nước?

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ tai nạn chết đuối nước ở trẻ em Việt Nam rất cao, chiếm 22,6% (trong đó, trẻ dưới 15 tuổi là 70%), chỉ đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông, chiếm 26,7%. So với các nước phát triển, tỷ lệ chết đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao gấp 10 lần.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa quản lý, giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tuỳ tiện đi lại tại các khu vực nguy hiểm.

Bên cạnh đó, với điều kiện tự nhiên nhiều sông, suối, ao, hồ, hệ thống kênh rạch chằng chịt, là môi trường không an toàn cho trẻ nhỏ. Ở Miền Bắc, ao hồ, sông ngòi sát với khu dân cư.

Miền Trung - Tây Nguyên, tình trạng đuối nước xảy ra do gần hồ, khe suối, các công trình chứa nước tưới của dân cư. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, do nhiều kênh rạch chằng chịt…và nguy cơ mất an toàn rất cao.

Sông Trà Khúc- nơi xảy ra vụ đuối nước của 9 học sinh mới đây ở Quảng Ngãi
Sông Trà Khúc- nơi xảy ra vụ đuối nước của 9 học sinh mới đây ở Quảng Ngãi

Thực tế, việc quản lý trẻ cũng rất khó, không phải lúc nào người lớn cũng bên cạnh trẻ để quan sát hay bảo vệ trẻ ở các khu vực sông ngòi, ao hồ, khe suối…nên biện pháp cần thiết nhất là hãy dạy cho trẻ tự bảo vệ. Đó là dạy cho trẻ những kỹ năng thiết thực nhất khi đối mặt với các tình huống xấu.

Thực tế, hiện nay nhiều đơn vị trong cả nước liên tục mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng cho học sinh và ban đầu mang lại một số kết quả tốt. Phần lớn các phụ huynh thừa nhận khóa học kỹ năng mang lại nhiều điều cho trẻ như rèn luyện thể lực, phát triển trí tuệ, phát triển các phẩm chất đạo đức nhân cách...do vậy mà họ thường ủng hộ và kỳ vọng vào sự trưởng thành của con mình sau khóa học.

Tuy nhiên, đôi khi phụ huynh chúng ta lại kỳ vọng quá, họ nhầm tưởng kết quả trước mắt đồng nghĩa với sự trưởng thành và phát triển lâu dài trong tương lai? Đó cũng chỉ là ảo tưởng.

Chúng ta đừng hy vọng chỉ trong vài tuần học kỹ năng có thể giúp trẻ thay đổi những giá trị, nhất là giá trị đạo đức. Có thể các em biết thêm nhiều thứ nhưng để chuyển thành hành vi, lối sống, nếp sống đạo đức thì đúng ảo tưởng. Hành vi, thói quen đạo đức phải được rèn luyện từ nhỏ, phải thường xuyên, liên tục, mọi nơi, mọi mới có thể trở thành phẩm chất bên trong của con người.

Tất nhiên, học kỹ năng sống là không thừa nhưng có thiết thực hay không thì phải xem lại, hơn nữa trẻ em chúng ta đang phải đối diện với nhiều nguy cơ mất an toàn, nhất là tình trạng đuối nước, vậy chúng ta phải dạy trẻ kỹ năng nào mà thiết thực nhất.

Theo tôi, nếu sau một khóa học kỹ năng mà 100% các cháu biết bơi và biết cách bảo vệ an toàn cho bản thân và người khác thì thật là giá trị. Nên chăng, ngay từ mẫu giáo, chúng ta nên dạy cho các em kỹ năng bơi lội.

Điều này quả là không khó, nếu như mỗi địa phương tổ chức một cách bài bản, mỗi gia đình đầu tư thời gian để dạy cho các em những kỹ năng ban đầu trong giai đoạn từ 4-6 tuổi. Khi bước vào cấp một, trẻ đã có thể biết bơi lội và có thể biết xử lý các tình huống xấu.

Một khi đã biết bơi thì kỹ năng này khá bền vững, thậm chí sau một vài năm không luyện tập vẫn có thể bơi được.

Hãy vì sự an toàn của trẻ mà tất cả chúng ta hãy hành động, đó chính là sự chung tay, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Lê Phạm Phương Lan

(Giảng viên tâm lý – ĐH Nguyễn Huệ- Đồng Nai)