Từ trạm y tế xã vùng sâu đến bệnh viện xứ cờ hoa - Con đường gian nan học thành bác sĩ

Tham gia Hội nghị tim mạch thế giới tại Bắc Kinh năm 2016, là 1 trong 4 sinh viên được cử sang Đại học Yonsei (đại học tư thục nổi tiếng tại Hàn Quốc và châu Á) thực tập lâm sàng và được các bác sĩ bệnh viện Wonju đánh giá cao về đức tính cần cù, ham học hỏi và triển vọng Y nghiệp, có tên trong danh sách 13 sinh viên được lựa chọn tham dự Khóa thực tập Y khoa mùa hè vô cùng nổi tiếng tại bang Indiana (Mỹ)…

Có thể nói, một tiền đồ tươi sáng đang chào đón bác sĩ tương lai Lâm Hoàng Phúc - sinh viên Y khoa năm thứ 3, ĐH Tân Tạo (TTU).

Lâm Hoàng Phúc hiện thực hóa giấc mơ học thành bác sĩ tại TTU.
Lâm Hoàng Phúc hiện thực hóa giấc mơ học thành bác sĩ tại TTU.

Tuy vậy, ít ai biết rằng, để có được những thành công bước đầu đáng tự hào, mà Phúc luôn nói rằng “rất nhỏ bé” ấy, Phúc đã trải qua những năm tháng đầy chông gai thử thách, nếm trải những thất bại tưởng như đã đủ vùi chôn khát vọng trở thành một bác sĩ, đã chấp nhận trở thành y sĩ tại một xã vùng sâu quê ngoại nhưng trái tim vẫn nhức nhối ước mơ từ thơ bé. Và rồi, cơ hội xét tuyển vào khoa Y, ĐH Tân Tạo đã như một phép màu, thay đổi cuộc đời của một kẻ “gan lì”, quyết không chịu buông tay.

Tôi đã gặp Lâm Hoàng Phúc trước khi em hoàn tất hành trang bay sang Mỹ tham dự chuyến thực tập lâm sàng quý giá, lắng nghe em chia sẻ nỗi niềm. Những tâm sự của em làm tôi vô cùng xúc động. Vì sự trưởng thành, đĩnh đạc và hiểu biết của người bác sĩ tương lai đã không chịu đầu hàng số phận. Vì sự nghiêm túc và ý thức trách nhiệm về Y đức, Y năng ngay từ phút đầu được Khoác Áo trắng (một nét văn hóa chỉ có tại các trường Y của Mỹ và được khoa Y, TTU long trọng tổ chức cho các sinh viên Y năm thứ nhất). Vui mừng cho em vì khởi đầu tuy chậm nhưng bước đi lại “thần tốc” nhờ em may mắn được hiện thực hóa hành trình học thành bác sĩ tại TTU - một trường đại học tư thục đào tạo theo tiêu chuẩn chất lượng giáo dục Hoa Kỳ. Tôi xin trích dẫn những câu văn mà Phúc tâm đắc như một cách truyền đi thông điệp: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…”.

Từ trạm y tế xã vùng sâu đến bệnh viện xứ cờ hoa: Con đường tôi đi

Lâm Hoàng Phúc bên Người Thầy kính mến- GS. Thạch Nguyễn, Quyền Hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Y, ĐH Tân Tạo.
Lâm Hoàng Phúc bên Người Thầy kính mến- GS. Thạch Nguyễn, Quyền Hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Y, ĐH Tân Tạo.

Một ngày cuối thu cách đây 26 năm, tôi ra đời trong một gia đình lao động nghèo tại Sài Gòn. Cuộc sống mưu sinh nơi thành phố phồn hoa quả thực trăm bề nhọc nhằn, cay đắng. Cha mẹ chẳng dư dả gì nên với một cậu bé lên năm, món đồ chơi mà tôi trân quý và yêu thích nhất chính là mô hình ống nghe bằng nhựa. Khao khát trở thành bác sĩ được nuôi lớn từ một món đồ chơi và giấc mơ con trẻ mà ngỡ theo thời gian sẽ phai mờ. Nhưng thay vì quên đi, tôi cứ mãi trăn trở về nó. Vì tôi biết, việc lựa chọn nghề Y với một đứa con trai xuất thân từ gia đình lao động ngay từ đầu đã là một quyết định khó khăn và đầy thách thức.

Tôi 18 tuổi, nộp đơn thi vào trường đại học Y công lập mà tôi luôn mơ ước. Rồi đau đớn đến tưởng như gục ngã khi biết mình đã thất bại. Ước mơ đã xa một tầm tay với. Nhưng trách nhiệm với gia đình, ý thức về việc “ thời gian sẽ không chờ đợi bất kỳ ai”, tôi không cho phép mình ngồi than khóc. Tôi quyết định đi học y sĩ với mong muốn sẽ là một nhân viên y tế tốt, giúp được phần nào những bệnh nhân nghèo cần được chăm sóc. Nhưng chính lúc đáng lẽ phải chấp nhận thực tại, việc được học một trường ĐH Y, việc trở thành một bác sĩ lại cứ là ngọn lửa dai dẳng trong lòng và bùng cháy mãi, dù bao lần tôi muốn dập tắt nó. Thế nên, vừa học y sĩ, tôi vừa ôn lại kiến thức phổ thông. Đến ngày thi, tôi mang theo bao hy vọng. Kết quả cũng tàn nhẫn không kém lần thứ nhất. Ngày tôi tốt nghiệp Y sĩ với tấm bằng loại giỏi, thì hành trang tôi mang theo cũng là 2 lần thi rớt trường Y. Giấc mơ xa dần. Không có cơ hội nào để tôi có thể trở thành 1 bác sĩ.


Bác sỹ tương lai Lâm Hoàng Phúc hỗ trợ đoàn bác sĩ thiện nguyện Hoa Kỳ ghi chép hồ sơ bệnh nhi tại bệnh viện Tân Tạo.

Bác sỹ tương lai Lâm Hoàng Phúc hỗ trợ đoàn bác sĩ thiện nguyện Hoa Kỳ ghi chép hồ sơ bệnh nhi tại bệnh viện Tân Tạo.

Sau ngày đó, tôi trở về quê mẹ, trở thành y sĩ tại trạm y tế làng. Cho dù tôi luôn năng nổ với công việc, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, bà con chòm xóm thương tôi nhiều nhưng không hiểu sao, bầu trời trong tôi, thứ ánh sáng vẫy gọi, nỗi niềm giày vò tôi mỗi đêm thao thức vẫn chỉ một ý nguyện duy nhất: Trở thành bác sĩ. 6 tháng từ ngày trở thành nhân viên trạm y tế, tôi về lại Sài Gòn, mang theo những kiến thức tự ôn tập và quyết tâm dự thi một lần nữa. Và rồi, định mệnh mang tôi đến khoa Y, Đại học Tân Tạo.

Ngày nộp hồ sơ phỏng vấn, với tấm bằng y sĩ, với hồ sơ 3 lần trượt ĐH Y và 1 giấc mơ khiến tôi luôn “cãi lại” số phận, các thầy, cô trong Hội đồng phỏng vấn đã nhận tôi. Họ không những không xem thường tôi mà còn cổ vũ và trân trọng ý chí, lòng quyết tâm theo đuổi ước mơ của tôi. “Tại TTU, chúng tôi trao cơ hội cho tất cả những ai có khao khát mãnh liệt nhất và ý chí sắt đá nhất ”- Tôi vẫn nhớ như in lời một thầy giáo đã nói khi chúc mừng tôi được lựa chọn vào khoa Y với học bổng toàn phần năm thứ nhất. Vậy là, khi số phận trớ trêu ngỡ như an bài, khoa Y, TTU đã trao cho tôi - đứa con trai sinh ra trong gia đình lao động bình dân một phép màu - cơ hội học tập kiến thức Y khoa của Mỹ với đội ngũ giảng viên ưu tú và đáng kính.

Sau ba năm đi trên con đường mơ ước cùng TTU, hành trang kiến thức tôi tích lũy được phong phú thêm mỗi ngày. Nhờ cơ hội được tiếp cận với nền Y học hiện đại của nước ngoài, được giảng dạy bởi các giáo sư, bác sĩ đầu ngành trong - ngoài nước và trên hết được giáo dục với tôn chỉ “Y đức Hải Thượng”, tôi đã trưởng thành và tiến bộ từng ngày. Tôi trở thành một trong những sinh viên của khóa 2 được đi dự Hội nghị tim mạch thế giới tại Bắc Kinh, được tham gia thực tập tại bệnh viện Hàn Quốc và đầu tháng 8, được tham gia khóa thực tập hè tại bệnh viện St. Mary ở Indiana, Mỹ.

"Đường đi vạn dặm khởi đầu từ những bước đi đầu tiên", những năm tháng đã qua, những bước chân tôi đi, đều in hằn bao nhọc nhằn, lam lũ của Ba Mẹ, sự tận tâm, tận tụy của Thầy Cô. Sau khi tốt nghiệp, tôi sẽ cố gắng trở thành một bác sĩ Ngoại khoa, đóng góp tất cả sức lực tuổi trẻ cho nền Y học Việt Nam. Tôi sẽ đem tất cả kiến thức và kinh nghiệm bao năm dưới mái trường Tân Tạo để chăm sóc, chữa trị cho nhân dân đúng như tôn chỉ mà TTU đã dạy: “Y đức Hải Thượng, Y học Hoa Kỳ”.

Và để đi đến ngày tươi sáng ấy, giờ tôi đang sắp xếp hành trang cùng bạn đồng môn thẳng tiến tới Mỹ.

Ghi chép của Minh Nguyễn