Sinh viên Việt Nam và “bí quyết” quản lý tài chính

Sự phát triển kinh tế của Việt Nam đang đặt ra thách thức về kỹ năng quản lý tài chính của mỗi cá nhân cũng như cộng đồng. Tuy nhiên, kiến thức tài chính đòi hỏi giới trẻ cần quan tâm ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường và cần có một thái độ tiếp nhận nghiêm túc.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Sean Preston, Giám đốc Visa tại Việt Nam – Lào – Campuchia.

Nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng vượt bậc trong những năm qua. Theo ông, kiến thức tài chính đóng vai trò quan trọng như thế nào trong bối cảnh phát triển đó?

Đúng là nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng vượt bậc, góp phần vào sự phát triển lớn mạnh của tầng lớp trung lưu với nguồn thu nhập cao và nhu cầu chi tiêu đa dạng. Để mỗi cá nhân và cả nền kinh tế nói chung có thể cùng tận dụng được những ưu thế phát triển trên thì điều kiện tiên quyết chính là đảm bảo khả năng quản lý tài chính một cách hợp lý cho mỗi người.

Môi trường quản lý tài chính sẽ trở nên phức tạp hơn với nhiều hình thức thanh toán điện tử, những thay đổi từ việc chuyển dùng tiền mặt sang thanh toán bằng thẻ…. Trong môi trường như vậy thì việc có kiến thức để quản lý tài chính, kỹ năng lập được ngân sách chi tiêu tiết kiệm sẽ là vấn đề rất quan trọng.

Ông Sean Preston, Giám đốc Visa tại Việt Nam – Lào – Campuchia
Ông Sean Preston, Giám đốc Visa tại Việt Nam – Lào – Campuchia

Có sự khác biệt nào về kiến thức tài chính nói chung của giới trẻ Việt Nam so với giới trẻ của các nước phát triển, thưa ông?

Trong năm 2012, chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát về quản lý tài chính giữa 28 quốc gia, Việt Nam xếp hạng 26, đứng trên Indonesia và Pakistan. Khảo sát cho thấy một phần ba số người được hỏi (33%) ở Việt Nam không lập ngân sách gia đình để quản lý thu nhập và chi tiêu. Đánh giá cũng chỉ ra những người ở độ tuổi 18-24 có xu hướng ít lập kế hoạch ngân sách hơn so với những người ở độ tuổi lớn hơn.

Đó là lý do vì sao chúng tôi tổ chức những chương trình như thế này để có thể lan truyền về kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính trong cộng đồng nói chung.

Xin ông cho biết, yếu tố giáo dục đóng vai trò như thế nào trong mảng lĩnh vực tài chính của sinh viên?

Đây là một vấn đề quan trọng đối với sinh viên – những chủ nhân tương lai của đất nước. Khi sinh viên tốt nghiệp và đi làm, kiến thức tài chính của họ không chỉ ảnh hưởng tại nơi làm việc mà còn cả trong gia đình, giữa những người bạn bè, những người đồng trang lứa. Nó có sức lan tỏa kiến thức tài chính trong cộng đồng.

Visa đã chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á để triển khai chương trình Kỹ năng quản lý tài chính và đã trải qua năm thứ 5. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

Chúng tôi rất hài lòng với kết quả đạt được trong 5 năm vừa qua. Kết quả của năm sau tốt hơn năm trước, và sinh viên thì thường học được những gì của năm trước sẽ được họ áp dụng cho năm sau.

Trong năm 2015, chúng tôi đã đạt đến 1,5 triệu lần truy cập trên Youtube, 11 nghìn lần tương tác trên Facebook và 35 nghìn lần truy cập vào Website kỹ năng quản lý tài chính.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin được cảm ơn Hội sinh viên Việt Nam đã cùng đồng hành tổ chức một chương trình vô cùng ý nghĩa như thế này, giúp sinh viên đảm bảo tương lai tài chính không chỉ của cá nhân mà của cả gia đình và xã hội.


Visa và Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam (CCVSA) kí kết Biên bản Ghi nhớ (MoU) lần thứ hai, đánh dấu mối quan hệ hợp tác lâu dài trong việc giáo dục kiến thức tài chính cho thế hệ trẻ.

Visa và Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam (CCVSA) kí kết Biên bản Ghi nhớ (MoU) lần thứ hai, đánh dấu mối quan hệ hợp tác lâu dài trong việc giáo dục kiến thức tài chính cho thế hệ trẻ.

Ông kì vọng điều gì ở chương trình năm nay?

Chương trình năm nay lần đầu tiên kêu gọi sự tham gia của tất cả sinnh viên trên khắp cả nước, chứ không chỉ giới hạn 5 khu vực như năm trước là: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thái Nguyên.

Năm nay, chương trình tiếp tục tạo ra sân chơi để sinh viên có cơ hội sáng tạo, trải nghiệm, kiểm tra và học hỏi thêm các kiến thức quản lý tài chính, đồng thời tạo không gian để các bạn sinh viên chủ động trong việc phát triển ý tưởng để quản lý tài chính. Với sự điều chỉnh đó, chương trình đỏi hỏi ngày càng cao tính chủ động và biến sinh viên thành chủ thể thực sự của cuộc thi.

Ông có lời khuyên gì dành cho giới trẻ, sinh viên Việt Nam nói chung giúp họ bắt đầu hình thành một kỹ năng quản lý tài chính cho bản thân và sự nghiệp sau này?

Tôi phải nói thực là việc các sinh viên tham gia chương trình này chính là một cơ hội để họ hiện thực hóa mục tiêu ấy. Các bạn hãy tìm hiểu một số khái niệm về quản lý tài chính cá nhân và sử dụng khái niệm đó để đưa ra được ý tưởng mới, để có thể lan truyền và chia sẻ với các bạn sinh viên khác cùng học và tham gia cuộc thi.

Bên cạnh đó, chúng tôi hiện có rất nhiều tài liệu về kỹ năng quản lý tài chính. Chẳng hạn như trên website của Visa, các bạn có thể thông qua website để học về kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, ví dụ như làm thế nào để có thể quản lý ngân sách, có thể lập kế hoạch về tài chính, hay tiết kiệm, chi tiêu một cách có trách nhiệm đối với dòng tiền của mình, cũng như tìm hiểu xem các công cụ tài chính có thể sử dụng trong từng trường hợp nào… Tất cả những điều đó sẽ giúp cho sinh viên có được kỹ năng rất quan trọng và giúp cho họ có thể phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Bằng Linh

Các bạn sinh viên có thể tham gia chương trình bằng cách truy cập website để biết thêm thông tin và điều kiện tham dự:

www.practicalmoneyskills.com.vn