Phương châm giáo dục đi học là hạnh phúc

(Dân trí)- Ngày 2/12, khoa Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo “Triết lý giáo dục”. Đây là cơ hội để các học giả, các nhà giáo và nhà quản lý giáo dục chia sẻ tri thức và quan điểm về triết lý giáo dục và một số vấn đề liên quan đến sách.

Xuất phát điểm của nền giáo dục tốt là một triết lý giáo dục đúng đắn. Trong thế giới đang thay đổi từng ngày, nhất là sau khi Việt Nam bắt đầu chính sách đổi mới và hội nhập quốc tế, nền giáo dục của chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức mới, đòi hỏi phải có một triết lý giáo dục mới. Ý kiến của các nhà sư phạm, học giả… cho rằng phương châm giáo dục hiện nay được đề cập là đi học là hạnh phúc.

Theo TSKH Chu Hảo, triết lý giáo dục là xác định sứ mạng giáo dục là gì, mục đích là gì và phương châm là gì. Để có được điều này thì cần có sự đồng thuận từ xã hội đến Trung ương trong đánh giá nền giáo dục.

Đồng thời, TSKH Chu Hảo cũng nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt của người thầy. Đó là, không nên phủ định vai trò của người thầy, đặc biệt trong thời đại mà công nghệ thông tin phát triển thì càng cần thiết hơn.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ các Seminar học thuật thường kỳ, một trong các hoạt động miễn phí của Trung tâm thế giới Nga, quà tặng của Tổng thống Nga cho khoa Quốc tế.

Hồng Hạnh