Nhân thêm những tấm gương nhà giáo học tập và làm theo lời Bác

(Dân trí) - Sáng nay (13/11), tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học theo lời Bác" năm học 2017 - 2018 chính thức được phát động.

Cuộc thi do báo Giáo dục và Thời đại phối hợp cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) tổ chức.

Đối tượng dự thi là công dân Việt Nam từ 15 tuổi trở lên, tự nguyện tham gia và cam kết chấp hành các quy định của Thể lệ cuộc thi.

Tác phẩm dự thi gồm bài viết và ảnh, ghi lại những khoảnh khắc đẹp, những câu chuyện có thật, sinh động về tấm gương thầy cô giáo gương mẫu, sáng tạo, hết lòng vì học sinh thân yêu; về những gương sáng học sinh, sinh viên vượt qua khó khăn, phấn đấu trong học tập, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. (ảnh: BTC)
Ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. (ảnh: BTC)

Bài viết bằng tiếng Việt, được đánh máy vi tính trên khổ giấy A4, với các thể loại:phản ánh, ghi chép, phóng sự, ký chân dung. Ưu tiên cao nhất cho những bài viết có tính phát hiện cao, gây ấn tượng, có tầm ảnh hưởng xã hội sâu rộng.

Với các tác phẩm ảnh, người chụp chỉ được phép dùng các phần mềm chuyên dụng chỉnh sửa độ sáng - tối, độ tương phản, kích thước ảnh. Không được viền khung, ghép ảnh, xóa hoặc thêm chi tiết trong ảnh, làm sai lệch sự thật.

Ảnh dự thi phải có chú thích đầy đủ thông tin (chụp ở đâu, khi nào với lời mô tả rõ ràng về câu chuyện trong ảnh). Chú thích tối đa 100 chữ. Ngoài ra, tác giả có thể viết một bài viết ngắn từ 200 - 500 chữ về tác phẩm đã chụp, ghi lại những cảm xúc, kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình tác giả chụp tác phẩm.

Bài dự thi (cả bài viết + ảnh) phải là tác phẩm mới, chưa được đăng tải trên bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào hoặc chưa gửi dự thi ở bất kỳ cuộc thi nào khác tính đến ngày gửi đến Ban Tổ chức (theo dấu bưu điện).

Tác giả phải đảm bảo và chịu trách nhiệm về tính chân thực, chính xác về nhân vật và nội dung bài dự thi của mình.

Ban Tổ chức cuộc thi không chịu trách nhiệm về những hư hỏng, thất lạc đối với các bài dự thi gửi không đúng thời gian và quy định nêu trên.

Thời gian nhận tác phẩm dự thi: 13/11/2017 – 28/02/2018 (theo dấu bưu điện); Địa chỉ nhận tác phẩm: Bài tham gia cuộc thi: NHỮNG TẤM GƯƠNG TÂM HUYẾT, SÁNG TẠO HỌC THEO LỜI BÁC, Báo Giáo dục và Thời đại, 29B Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hoặc có thể gửi tác phẩm qua Email: cuocthibaogdtd@gmail.com.

Bài dự thi (gửi phong bì hoặc qua email) phải ghi rõ: Họ tên, năm sinh, giới tính, nghề nghiệp, đơn vị học tập, công tác, nơi thường trú; số điện thoại liên hệ.

Về cơ cấu giải thưởng sẽ có: 01 giải Nhất, trị giá 5.000.000 đồng; 01 giải Nhì, trị giá 3.000.000; 02 giải Ba, trị giá 2.000.000 đồng/giải; 03 giải Khuyến khích, trị giá 1.000.000đ/giải.

Tổng kết cuộc thi, trao giải thưởng, giao lưu với tác giả và nhân vật của bài dự thi đạt giải cao (dự kiến) tổ chức ngày 26/3/2018.

Theo BTC, mục đích cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng trong ngành Giáo dục cũng như toàn xã hội về truyền thống tốt đẹp, những tấm gương thầy giáo, cô giáo đã và đang tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người, nhằm nâng cao nhận thức về tư tưởng đạo đức, lối sống văn hóa, phong cách, tác phong làm việc với mỗi người dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa to lớn của việc học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, mong muốn: “Tôi mong rằng, các thầy, cô giáo, các em học sinh cùng toàn xã hội hãy tích cực hưởng ứng cuộc thi, có nhiều bài viết hay, những câu chuyện có thật, sinh động về những tấm gương thầy, cô giáo gương mẫu, tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu.

Với quyết tâm nhân thêm những bông hoa việc tốt trong vườn hoa học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc thi "Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học theo lời Bác" là dịp để nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực về tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa, phong cách, tác phong làm việc đối với giáo viên, học sinh, sinh viên.

Qua đó góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, nhân dân trong và ngoài ngành giáo dục về ý nghĩa to lớn của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chính Minh”.

Mỹ Hà