Người mang chương trình MBA Hawaii đến Việt Nam

(Dân trí) - Rời Việt Nam từ khi học phổ thông để sang Thụy Sĩ du học, bôn ba khắp năm châu, làm giảng viên của nhiều trường ĐH danh tiếng, nay ông trở về Việt Nam mang theo mô hình giáo dục mới mong muốn giúp đỡ phần nào đó cho các nhà lãnh đạo trẻ VN.

Đó là GS.TS. Bùi Tùng, Giám đốc Chương trình Hawaii tại Việt Nam. 

Người mang chương trình MBA Hawaii đến Việt Nam - 1
GS.TS. Bùi Tùng, Giám đốc Chương trình Hawaii tại Việt Nam.

Ông trở thành giáo sư giảng dạy của nhiều trường đại học trên thế giới Đại học Hawaii, Đại học New York, trường Sau đại học Naval, Đại học The Quebec ở Montreal, Canada, Đại học Fribourg và Đại học Lausanne ở Thụy Sĩ, và Đại học Khoa học Kỹ thuật Hồng Kông. Ông có thể chia sẻ một chút con đường nào dẫn ông tới thành công ngày hôm nay?

Tôi tốt nghiệp phổ thông tại Nha Trang. Sau đó tôi được học bổng đi học ở Thụy Sĩ, tại đây tôi đã nhận bằng tiến sĩ Quản lý Kinh tế, Đại học Fribourg. Sau đó tôi được một học bổng nữa để lấy bằng tiến sĩ về Hệ thống Thông tin tại Đại học New York và làm việc 1 năm tại đại học này. Rồi tôi có vinh dự được làm giảng viên của nhiều trường trên thế giới. Tôi coi mình là một học giả và là người nghiên cứu trọn đời. Tôi luôn tâm niệm một câu nói rất phổ biến trong giới hàn lâm: “Nếu bạn muốn học, hãy đi dạy. Nếu bạn muốn dạy tốt, phải làm nghiên cứu”.

Nếu không nghiên cứu liên tục thì tri thức của chúng ta sẽ bị lạc hậu nhanh hơn tốc độ ta tưởng. Tôi dành rất nhiều thời gian để đọc những kết quả nghiên cứu tiên tiến nhất, đồng thời cộng tác với đồng nghiệp và các nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ trên khắp thế giới để luôn luôn đóng góp vào tri thức chung thuộc chuyên ngành nghiên cứu của mình.

Kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm tại nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới, ông có nhận xét gì về nền giáo dục đại học Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao chất lượng giáo dục đại học?

Tôi về Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1994. Sau đó tôi làm việc 2 năm trong vai trò là cố vấn riêng cho cựu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Hồng Quân. Từ đó tôi làm việc với rất nhiều trường đại học và các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam với mong muốn được góp một phần nhỏ bé để nền giáo dục Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.

Nếu theo dõi các bài viết trên báo chí trong những năm gần đây, hẳn là các bạn đã biết thực tế rối loạn của hệ thống giáo dục Việt Nam. Đây là điều khó tránh khỏi vì trước khi tiến bộ hoặc thay đổi, nền giáo dục phải trải qua giai đoạn thử nghiệm và học tập từ những sai lầm.

Bây giờ nếu chúng ta cùng nhìn lại những gì tôi đã trải qua năm 1994, không ai có thể phủ nhận rằng nền giáo dục Việt Nam hiện nay, năm 2010, đã có những tiến bộ vượt trội. Đội ngũ giáo viên tốt hơn, họ trẻ hơn, được đào tạo bài bản hơn, tài liệu học tập được tìm kiếm và sử dụng dễ dàng hơn, không khan hiếm và khó khăn như trước. Người học cũng có nhiều sự lựa chọn hơn, kể cả đi du học hay theo học các trường của nước ngoài có cơ sở ngay tại Việt Nam.

Nếu cùng nhìn về tương lai, tôi nghĩ rằng chúng ta cần tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng giáo viên. Thầy giỏi thì trò sẽ giỏi, và ngược lại trò giỏi sẽ gây sức ép buộc thầy phải hoàn thiện mình hơn nữa. Và theo đó, người thầy giỏi sẽ có khả năng cải tiến chương trình đào tạo. Đây là một chu trình khép kín trong tiến trình giáo dục.

Tại sao ông lựa chọn Đại học Hawaii để giảng dạy? Lý do gì khiến ông mang chương trình Hawaii về Việt Nam?

Trước khi tới làm việc tại Đại học Hawaii, tôi từng giữ vị trí tương tự tại châu Âu, Mỹ và châu Á và thỉnh giảng ở nhiều nơi trên thế giới. Trong khi đó Đại học Hawaiii cho tôi một cơ hội có một không hai. Đây là trường của Mỹ nhưng có chiến lược phát triển tập trung vào khu vực châu Á. Khoa Kinh tế của trường này được xếp hạng cao ở Mỹ và khoa này cũng có mối quan tâm đặc biệt tới Việt Nam.

Việt Nam là quê hương của tôi. Dù cho đã đi khắp thế giới nhưng tôi vẫn luôn mơ ước được chứng kiến Việt Nam trở thành một quốc gia hưng thịnh, mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Tôi là một nhà giáo, và như lịch sử đã nhiều lần chứng minh, chất lượng giáo dục là yếu tố hàng đầu để thúc đẩy kinh tế phát triển. Tôi gửi lời cảm ơn chân thành tới những đồng nghiệp của tôi tại Trường Kinh tế Shidler nói riêng và ban lãnh đạo Đại học Hawaii nói chung đã tạo điều kiện cho tôi và các cộng sự đầu tư tại Vietnam. Tôi và các đồng nghiệp Đại học Hawaii tại đây xin bày tỏ lời cảm ơn tới các vị lãnh đạo của Bộ GD-ĐT Việt Nam, Đại học Quốc Gia Hà Nội, Khoa Quản trị Kinh doanh, Viện quản trị kinh doanh Trường Đại học FPT, Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TPHCM đã ủng hộ chúng tôi trong những năm vừa qua, giúp cho chương trình đào tạo MBA của Đại học Hawaii tại Việt Nam.

Người mang chương trình MBA Hawaii đến Việt Nam - 2
Trước khi tới làm việc tại Đại học Hawaii, GS.TS. Bùi Tùng từng giữ vị trí tương tự tại châu Âu, Mỹ và châu Á và thỉnh giảng ở nhiều nơi trên thế giới.

Chương trình Hawaii MBA ở Việt Nam, chi phí lại bằng nửa bên Hoa Kỳ. Vậy chất lượng có khác không thưa ông?

Tôi đã phải thuyết phục lãnh đạo nhà trường ra sao cũng như nhận được rất nhiều thắc mắc từ phía sinh viên Hoa Kỳ vì đây là chương trình được thiết kế giống hệt như bên Hoa Kỳ, ra trường được cấp bằng như theo học bên Hoa Kỳ. Ngoài ra, những khó khăn về sắp xếp lịch các giáo viên vì 100% giảng viên từ Hawaii sang giảng dạy; những quy định khắt khe của tổ chức kiểm định AACSB.

Chúng tôi vô cùng may mắn, thứ nhất là chúng tôi có sự hỗ trợ toàn diện từ phía ban lãnh đạo Đại học Hawaii vì châu Á là vùng trọng tâm chiến lược của chúng tôi.  Thứ hai, chúng tôi có một đội ngũ giảng viên tại trường Đại học Kinh doanh Shidler rất có cảm tình với Việt Nam. Thứ ba, chúng tôi may mắn tìm thấy đối tác chiến lược tốt tại Việt Nam là Khoa Quản trị Kinh doanh (HSB), Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Quản trị kinh doanh Trường Đại học FPT và Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TPHCM.

Khoa chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều để đề xuất với Đại học Hawaii giảm học phí cho học viên ở Việt Nam, bởi vì học viên ở Mỹ phải trả học phí cao hơn rất nhiều, trong khi họ cùng theo học chương trình giống nhau và nhận bằng như nhau. Thật sự là chúng tôi đã giảm học phí tới hơn 50% khi chúng tôi đưa những học viên ở Việt Nam trong chương trình VEMBA sang tham gia những khóa học hè cùng với sinh viên MBA ở Mỹ. Nhưng đối với chúng tôi thị trường Việt Nam rất quan trọng. Sự hiện diện của chúng tôi tại Việt Nam thể hiện chính sách lấy châu Á làm trọng tâm. Chúng tôi mong muốn giữ vững uy tín là một trường đại học đẳng cấp quốc gia Mỹ có những chuyên gia giỏi nhất về châu Á và có liên quan nhiều nhất tới công việc kinh doanh tại châu Á. Chúng tôi coi giáo dục tại Việt Nam là một quá trình đầu tư dài hạn để xây dựng vốn tri thức của chúng tôi. Ban lãnh đạo Đại học Hawaii đã hoạch định tầm nhìn này và ủng hộ chúng tôi rất nhiều.  

Xin cám ơn ông!

Hà Thu (thực hiện)