Mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam: Trước khi để con học tiếng Anh, tôi dạy con yêu tiếng Việt

Nói đến Đỗ Nhật Nam, chúng ta không thể bỏ qua khả năng Tiếng Anh “ cực khủng” của em. Bảng thành tích đồ sộ và những dấu ấn liên tiếp trong thời gian qua là minh chứng trực tiếp cho thấy khả năng ngoại ngữ của em vẫn đang được “nâng trình” lên những tầm cao mới.

Đằng sau những thành công này là những bí quyết nho nhỏ nhưng có tác dụng rất lớn của mẹ Nam – chị Phan Hồ Điệp. Bên lề buổi chia sẻ “ lời Con – lòng Mẹ” do VietFuture tổ chức, chị Phan Hồ Điệp đã có những tâm sự về phương pháp kích hoạt và phát triển ngôn ngữ của con trẻ rất đặc biệt và bổ ích.

Lời Con – lòng Mẹ

“ Khi còn trong nôi, nghe mẹ ru cha đánh giặc cuối trời…”

Từ tuổi thơ còn bập bẹ nói, chính lời ru của mẹ, câu chuyện kể của bà là nguồn sữa ngọt lành chăm bẵm, bồi dưỡng cho mỗi chúng ta. Những giá trị ấy vừa là tình mẫu tử thiêng liêng, vừa là những bài học vỡ lòng đầu đời quý giá và một cách thực tế nhất, nó góp phần thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ và định hình nhân cách của chính con mình – chị Phan Hồ Điệp mở đầu buổi chia sẻ.

Khoa học hiện đại đã chứng minh, quá trình học tập của con người bao gồm hai luồng tư duy: tư duy cảm xúc và tư duy logic. Tư duy logic bắt đầu hình thành từ độ tuổi 6-8. Một điều đặc biệt là tư duy logic càng ngày sẽ càng phát triển và lấn áp dần tư duy cảm xúc. Vì vậy, khi con còn nhỏ chính là lúc tư duy cảm xúc mạnh mẽ nhất, nó cực tốt cho việc phát triển ngôn ngữ của con.

Chúng ta đã từng bất ngờ - kinh ngạc – tự hào trước khả năng sử dụng ngôn ngữ cả Tiếng Việt lẫn Tiếng Anh của Nhật Nam bao nhiêu thì chắc chắn ta sẽ còn khâm phục mẹ Nam bấy nhiêu khi được biết những công việc “ nho nhỏ” mà chị Hồ Điệp thường xuyên áp dụng từ khi Nam còn nằm trong bụng mẹ.

Mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam: Trước khi để con học tiếng Anh, tôi dạy con yêu tiếng Việt - 1

Chị Phan Hồ Điệp thẳng thắn chia sẻ về các phương pháp kích hoạt và phát triển khả năng ngôn ngữ của con

Chị cho biết: khi mang bầu con được 7 tháng , tôi đã cảm nhận được Nam đã lắng nghe và luôn muốn được nghe tôi trò chuyện. Mỗi tối, tôi dành ra khoảng 30 phút để có thể là kể chuyện, đọc thơ và có thể là cả tán gẫu với Nam.

Đặc biệt hơn, nếu như tôi vì mệt mỏi hoặc quên làm việc đó, Nam sẽ phản ứng lại bằng những cách đạp nhẹ vào bụng mẹ một cách rất đáng yêu. Tôi luôn cố gắng giữ cho mình một tâm thế thoải mái, lạc quan nhất trong giai đoạn này vì tôi tâm niệm: sự buồn chán, mệt mỏi của mẹ rất có thể sẽ khiến đứa trẻ khi chào đời sẽ mang trong mình tính cách khó tính và nóng nảy.

Âm nhạc cũng được tôi áp dụng rất nhiều, tuy nhiên thay vì sử dụng những bản cổ điển như đa số các tài liệu hiện tại đang cung cấp, tôi cho Nam nghe những bài hát và ca khúc thiếu nhi. Tôi tin giai điệu ngọt ngào dễ thương và dễ nhớ của chúng sẽ giúp ích nhiều hơn cho con mình. Tóm lại, lời con nói, tiếng con cười cũng sẽ là kết quả của tình yêu thương, tấm lòng của mỗi chúng ta nếu ta thật sự tâm huyết và thực hiện một cách bài bản, đều đặn.

Trước khi cho con học Tiếng Anh, tôi dạy con yêu Tiếng Việt

Tiếng Việt của chúng ta thật sự rất tuyệt vời, đẹp và vô cùng phong phú. Truyền cảm hứng cho con về tình yêu thương đối với tiếng mẹ đẻ dường như là nhiệm vụ đầu tiên quan trọng nhất của các bậc làm cha, làm mẹ. Bởi vì, với con đường đó chúng ta sẽ từng bước, từng bước nuôi dưỡng và giáo dục nên một con người có nhân cách và đạo đức tốt trong tương lai.

Trở lại với buổi chia sẻ “ lời Con – lòng Mẹ” do VietFuture tổ chức, chị Phan Hồ Điệp tâm sự thẳng thắn: ngày nay, rất nhiều bậc phụ huynh đang có một tâm lý chung là mong muốn và thích con học ngoại ngữ. Điều này về mặt mục đích là không sai. Tuy nhiên, phần lớn chúng ta đang vấp phải vấn đề trong khâu thực hiện.

Chúng ta nên hạn chế đến mức tối đa việc thúc ép, thậm chí là gò con vào việc học ngoại ngữ, hãy để con thật thoải mái tiếp xúc với những sự mới mẻ ấy thông qua việc tạo dựng những thói quen và hãy ghi nhớ một điều quan trọng: luôn luôn bắt đầu từ tiếng mẹ đẻ. Khi Nam còn nhỏ, tôi đã từ từ truyền cảm hứng yêu thích sách đến với con. Tôi chứng minh dần cho con về giá trị và sức hấp dẫn thực sự đến từ những cuốn sách bằng cách đọc cho con nghe, kể chuyện với chồng để con hiếu kỳ và đòi hỏi. Cũng từ đó, qua dần với thời gian, niềm đam mê đọc sách của Nhật Nam càng ngày càng lớn.

Mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam: Trước khi để con học tiếng Anh, tôi dạy con yêu tiếng Việt - 2

Lắng nghe những thắc mắc, tâm sự của các phụ huynh

Mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam: Trước khi để con học tiếng Anh, tôi dạy con yêu tiếng Việt - 3

Món quà đặc biệt của một phụ huynh tham dự gửi tặng chị Phan Hồ Điệp

Những bài học giá trị của một người mẹ “vĩ đại” nhưng rất đỗi “bình thường”

Tại buổi chia sẻ, các bố mẹ hiểu được cách làm thế nào để Nam có thể thuyết trình , dịch sách và tự viết sách ngay từ khi học lớp một và có những thành tích đáng nể như vậy.

Tất cả là sự dẫn dắt của người mẹ từ khi Nam còn rất nhỏ như chơi trò chơi thuyết trình về nhu cầu của con ; trò chơi đưa ra các vấn đề không rõ đúng sai để hai mẹ con có sự phản biện; trò chơi tìm từ khác loại, mô tả những điểm khác nhau của một bức tranh hay những bài thơ không nhất thiết phải hay, có vần nhưng được chị truyền đạt có vần điệu trong cuộc sống hàng ngày. Đó là một thời khóa biểu được chị cam kết đồng hành cùng con, chơi cùng con- hàng ngày một cách kiên trì và đầy tình yêu thương.

Chị Giang- CMO công ty Viet Future chia sẻ trên facebook cá nhân khi buổi chia sẻ kết thúc: “Mặc dù làm về giáo dục và hiểu rất rõ những học thuyết giáo dục trẻ tiên tiến. Nhưng khi ngồi ở dưới, nghe những gì chị chia sẻ mình cứ chảy nước mắt và thấy thật có lỗi với con. Mình cũng như chị ấy, không cần con mình trở thành những thiên tài- nhưng phải là một người có tâm hồn, giàu cảm xúc, biết yêu thương, có lý tưởng, trách nhiệm và hơn cả là con được hạnh phúc. Nhưng mình và rất nhiều những ông bố bà mẹ ngoài kia, đã thực sự dành toàn tâm toàn ý cho con?, đã thực sự đầu tư thời gian để gieo những điều tốt đẹp đấy một cách kiên trì bằng tình yêu thương của mình như người phụ nữ nhỏ bé, giản dị này. Cảm thấy xấu hổ, cảm thấy chính mình cần phải hoàn thiện hơn để có những hạt giống tốt, để không uổng phí thời gian bên các con nữa. Bật khóc khi nghe bài thơ của Nam chị đọc. Có lẽ đó là phần thưởng lớn nhất với chị, hơn bất cứ huy chương hay thành tích nào của Nam.

Mọi lý thuyết sẽ trở nên vô ích nếu cha mẹ không hành động

Chị Phan Hồ Điệp cho biết:” khi nhận được lời mời của VietFuture, dù khá bận công việc, tôi đã cố gắng tham gia. Bởi vì, tôi tin rằng “lời Con – lòng Mẹ” ít nhiều cũng sẽ cung cấp những thông tin hữu ích hơn trong quá trình dạy con của các bậc cha mẹ. Bên cạnh đó, VietFuture với dự án “ chắp cánh tương lai Việt” – www.vf.edu.vn cũng đã và đang có những hoạt động cụ thể và hiệu quả hướng tới cộng động.

Mọi lý thuyết dù có đúng đắn bao nhiêu đi nữa cũng sẽ không bao giờ mang lại hiểu quả thực sự nếu chúng ta không áp dụng chúng một cách kiên trì. Kiến thức, kỹ năng chúng ta đều dễ dàng để có rất nhiều tài liệu. Nhưng điều quý giá nhất là những kiến thức đó được thực hiện mỗi ngày. Ai cũng hiểu dành thời gian cho con là quan trọng, nhưng mấy ai trong số chúng ta dành 30 phút buổi tối toàn tâm toàn ý cho con- với những điều đơn giản như thế.