Hướng tới sự thành đạt của người học

(Dân trí) - Đó là một trong những mục tiêu thiết thực được nêu ra tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ mở rộng giữa nhiệm kỳ 2015-2020 của trường Đại học Vinh diễn ra ngày 1/6.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ, hầu hết các chỉ tiêu được Đại hội Đảng bộ trường lần thứ 31 đề ra đều thực hiện đạt và vượt. Trong đó, 6/31 chỉ tiêu có khả năng vượt mục tiêu, 21/31 chỉ tiêu dự kiến đạt mục tiêu, 2/31 chỉ tiêu tập trung chỉ đạo phấn đấu đạt mục tiêu.

Đảng ủy nhà trường đã chỉ đạo các viện, khoa mở 8 ngành đào tạo đại học, 3 chuyên ngành đào tạo đại học, 3 ngành đào tạo chất lượng cao đào tạo đại học, 5 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, 2 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ.

Nhà trường đã triển khai nghiên cứu và ban hành Đề án Xây dựng và phát triển chương trình đào tạo đại học chính quy tiếp cận CDIO giai đoạn 2016-2020, áp dụng từ khóa đào tạo thứ 58 với 3037 sinh viên, 41 ngành đào tạo, thuộc 7 nhóm ngành. Từ tháng 3/2018, trường ĐH Vinh chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội CDIO quốc tế. Theo tổ chức xếp hạng các trường đại học trên thế giới (CSIC) công bố thì trường ĐH Vinh được xếp hạng thứ 16/129 trường của Việt Nam, thứ 148/1200 các trường đại học của khu vực Đông Nam Á.

Năm 2017, Nhà trường đã được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Được Bộ GD-ĐT ra quyết định thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng, đây là trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thứ 5 của cả nước.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ, cán bộ của trường đã triển khai 11 đề tài cấp nhà nước, 42 đề tài cấp Bộ, 4 đề tài cấp tỉnh, 311 đề tài cấp trường. Sinh viên của trường đã triển khai 126 đề tài, có 11 đề tài được giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Kinh phí hoạt động khoa học công nghệ mỗi năm trên 10 tỷ đồng. Năm 2015, có 54 bài báo; năm 2016, có 65 bài báo; năm 2017, có 60 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế.

Các Khoa, Viên, Trung tâm đào tạo thuộc ĐH Vinh trình bày Tham luận tại hội nghị.
Các Khoa, Viên, Trung tâm đào tạo thuộc ĐH Vinh trình bày Tham luận tại hội nghị.

Nhà trường đã khánh thành, đưa vào sử dụng nhà làm việc và phát triển công nghệ cao, quảng trường khoa học, nhà đa năng, nhà thực hành - thí nghiệm… Tổng giá trị tài sản hữu hình và vô hình của trường có trị giá trên 2.000 tỷ đồng, tăng 660 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ.

Trường đã ký kết hơn 40 thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn và thiết lập mối quan hệ hợp tác với hơn 350 cơ quan, doanh nghiệp khác. Kêu gọi tài trợ và cấp phát học bổng cho hàng trăm lượt sinh viên với số tiền trên 7 tỷ đồng.

Với phương châm chất lượng giáo dục có mối liên hệ mật thiết với chất lượng đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu, Đảng bộ trường đã tập trung quan tâm công tác cán bộ. Hiện nay, trường ĐH Vinh có 1045 người, trong đó có 586 giảng viên; về trình độ có 4 giáo sư, 59 phó giáo sư, 256 tiến sĩ , 504 thạc sĩ, 241 cử nhân, kỹ sư.

Với định hướng đổi mới căn bản, đề án tái cấu trúc trường ĐH Vinh đã xây dựng thành lập 4 viện trên cơ sở sáp nhập 7 khoa. Ở giai đoạn 2, sẽ tiếp tục thành lập 2 viện trên cơ sở sáp nhập 4 khoa. Kiện toàn bộ môn của các viện, khoa đào tạo từ 90 bộ môn giảm xuống còn 63 bộ môn.

Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ trường ĐH Vinh mở rộng giữa nhiệm kỳ 2015-2020 hướng tới xây dựng ĐH Vinh thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ hàng đầu khu vực Bắc Trung Bộ; phấn đấu trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia, là thành viên liên kết của Mạng lưới đảm bảo chất lượng, thuộc Mạng lưới các trường đại học ASEAN và là thành viên của Hiệp hội CDIO quốc tế.

Nguyễn Duy