Hội An: Đưa Giáo dục di sản vào học đường

(Dân trí) - Chiều 12/11, Phòng GD-ĐT TP Hội An phối hợp với Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An mở lớp tập huấn cho giáo viên thuộc các trường THCS trên địa bàn về phương thức giảng dạy bộ tài liệu mới xuất bản: Giáo dục Di sản học đường.

Hoạt động nhằm tăng cường bảo vệ, gìn giữ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nhân loại, mô hình “Nhà trường thân thiện, học sinh tích cực” được Bộ GD-ĐT, Bộ VH-TT&DL phối hợp với Trung ương Đoàn phát động tổ chức.

Tập huấn giảng dạy bộ tài liệu Giáo dục Di sản học đường tại Hội An
Tập huấn giảng dạy bộ tài liệu Giáo dục Di sản học đường tại Hội An

Tại Hội An, việc mở lớp tập huấn lần này xung quanh bộ tài liệu Giáo dục di sản học đường nhằm giúp giáo viên nâng cao trình độ am hiểu để giảng dạy cho học sinh dễ cảm thụ về di sản.

Theo đó, nội dung bộ tài liệu dành cho THCS gồm 2 phần: Tìm hiểu về nghề trồng lúa tại địa phương và Lịch sử cách mạng của Hội An. Về phần “Tìm hiểu nghề trồng lúa địa phương” giúp học sinh hiểu thêm về nghề nông tại Hội An; phong phú hơn kiến thức được giảng dạy tại trường học đồng thời liên hệ với nhiều môn học khác; học sinh còn được thực hành trồng thử nghiệm lúa nước.

Bộ tài liệu thử nghiệm giảng dạy giáo dục di sản học đường
Bộ tài liệu thử nghiệm giảng dạy giáo dục di sản học đường

Phần Lịch sử cách mạng giúp học sinh tìm hiểu truyền thống cách mạng anh hùng, những tấm gương đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc… qua đó càng thêm yêu mến, tự hào, giữ gìn di sản các thế hệ cha anh để lại…

Trong quá trình học, học sinh sẽ được học lý thuyết tại nhà trường sau đó sẽ được học tại bảo tàng di sản văn hóa Hội An và bảo tàng Hội An; tham quan, tìm hiểu, được tận mắt thấy các hiện vật, di tích.

Qua đó giúp giáo dục ý thức tôn trọng, bảo vệ và giữ gìn các di sản văn hóa; nâng cao ý thức nơi công cộng… Lý thuyết kết hợp với thực hành, phát huy tiềm năng, sự sáng tạo của học sinh giúp các em tăng khả năng tư duy, làm việc nhóm…

Lớp học “Chúng em cùng khám phá bảo tàng”
Lớp học “Chúng em cùng khám phá bảo tàng”

Trước đó, Phòng GD-ĐT TP Hội An đã cho dạy thử nghiệm tại Trường Tiểu học Phù Đổng. Sau khi thực hiện đã phát huy tố chất của học sinh về tình yêu di sản và cách bảo vệ di sản. Nhiều giáo viên cho biết, cách thức dạy môn này học sinh rất thích thú. Bởi ngoài dạy về lịch sử hình thành và phát triển di sản qua tranh ảnh trực quan, video clip, học sinh còn được đi thực tế đến các di tích như Chùa Cầu hay nhiều địa điểm khác.

Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An chia sẻ: “Đây là bộ tài liệu được nhóm chuyên viên của trung tâm và Phòng GD-ĐT thành phố phối hợp tập hợp, chắt lọc biên soạn hơn 2 năm, đến nay đưa vào dạy thử nghiệm. Chúng tôi sẽ tiếp tục biên soạn để bộ tài liệu này hoàn hảo hơn, bao gồm chương trình, hình ảnh, video clip”.

C.Bính - N.Linh