Hà Tĩnh: Ngôi trường tiên phong đổi mới phương pháp dạy và học

(Dân trí) - Không áp lực tâm lý nặng nề về bài vở, không còn cảnh giáo viên một mình diễn thuyết trước lớp học, thay vào đó là những tiết học sôi động, hào hứng cho đến phút cuối cùng. Đó là những trải nghiệm tuyệt vời mà học sinh trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Lộc Hà – Hà Tĩnh) có được từ những đổi mới về phương pháp dạy học của nhà trường.

Khi lớp học trở thành sân chơi kiến thức

Phương pháp dạy học truyền thống với những bài giảng lý thuyết khô khan, hàn lâm chính là rào cản để đổi mới và phát triển nền giáo dục. Lâu nay, người ta quen với hình ảnh học sinh đến lớp chỉ để nghe giảng và tiếp thu kiến thức một cách thụ động. "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" chỉ là câu khẩu hiệu đầy miễn cưỡng. Còn thực tế, học sinh chán học, học chỉ như một hình thức đối phó và rồi bỏ quên hết kiến thức sau mỗi kì thi.

Thế nhưng, một ngôi trường 50 năm tuổi tại Hà Tĩnh đã thay đổi hoàn toàn phương pháp dạy học, tạo nên những lớp học mở năng động, sáng tạo, lôi cuốn gây hứng thú cho học sinh.

Những giờ học tại trường THPT Nguyễn Văn Trỗi luôn sôi động và tràn đầy năng lượng. Lớp học trở thành sân chơi kiến thức đa dạng, là nơi để học sinh trải nghiệm, khám phá, cảm nhận và tự lĩnh hội tri thức.

Hà Tĩnh: Ngôi trường tiên phong đổi mới phương pháp dạy và học - Ảnh 1.

Thay thế cho việc kiểm tra bài cũ đầy áp lực, hoạt động khởi động bằng tiểu phẩm trong giờ Ngữ Văn đem lại sự hưng phấn cho học sinh

Trong tiết học Ngữ văn, học sinh được cảm nhận về truyện, thơ bằng những cách thức đặc biệt. Từng nhóm học sinh sẽ vẽ tranh, ngâm thơ hoặc nhập vai, sân khấu hóa các tác phẩm văn học. Đối với tác phẩm mang tính chất tuyên truyền, học sinh sẽ dựng tiểu phẩm gắn liền với những vấn đề thiết thực của cuộc sống.

Em Lê Nguyễn Hải Đăng, học sinh lớp 10A1chia sẻ: "Là học sinh theo khối tự nhiên, trước đây em rất ngại giờ văn. Nhưng bây giờ em rất thích thú và không còn áp lực, chúng em được vẽ tranh để thể hiện cảm nhận của mình qua mỗi bài thơ, được hùng biện để nói lên chính kiến về vấn đề mà mình quan tâm; hơn nữa những sơ đồ tư duy giúp việc học có hiệu quả hơn"

Lịch sử, Địa lý không còn là môn học nhàm chán khi những thước phim tài liệu, sơ đồ tư duy sinh động kết hợp với giờ học thực địa khi đưa học sinh đến tham quan các khu di tích lịch sử như Ngã Ba Đồng Lộc, khu tưởng niệm Lí Tự Trọng…đã góp phần nâng cao chất lượng bộ môn. Bài học trở nên giàu cảm xúc, để lại ấn tượng khó quên với học sinh.

Nói về sự đổi mới phương pháp dạy học, cô Nguyễn Thị Loan – giáo viên môn Ngữ văn chia sẻ: "Cũng như các môn học khác, giáo viên Ngữ văn cần nhận thức rõ tầm quan trọng của đổi mới phương pháp dạy học trong bộ môn của mình. Cách dạy theo lối bình giảng và cung cấp cho học sinh các kiến thức lí thuyết một cách tách biệt không đáp ứng được nhu cầu học tập của giới trẻ ngày nay".

Những kĩ thuật dạy học tích cực được thầy cô vận dụng linh hoạt, sáng tạo khiến những môn học thuộc ngành khoa học tự nhiên cũng trở nên lôi cuốn, thú vị và có tính ứng dụng cuộc sống cao.

Hà Tĩnh: Ngôi trường tiên phong đổi mới phương pháp dạy và học - Ảnh 2.

Giờ chào cờ với những bài học ý nghĩa

Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục còn gắn liền với việc đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học. Giờ chào cờ đầu tuần, giờ sinh hoạt lớp cuối tuần không còn nặng về vấn đề đánh giá, phê bình mà trở thành tiết học đặc biệt nhằm phát triển toàn diện người học cả về năng lực và phẩm chất. Các hoạt động "Sinh hoạt dưới cờ" theo chủ điểm từng tuần – tháng; tiến hành tham vấn, tư vấn cho học sinh vào tiết sinh hoạt lớp cuối tuần đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Phía sau những giờ học đổi mới là sự trăn trở của người thầy tâm huyết

Thấm nhuần tư tưởng Nghị quyết của Hội nghị trung ương 8 khóa IX về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; với khát vọng hướng tới một nền giáo dục khai phóng, nhà trường đã tích cực, nỗ lực không ngừng trong đổi mới phương pháp dạy học. Gần 30 năm công tác tại trường, thầy Nguyễn Hồng Hải – Bí thư chi bộ, hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Văn Trỗi luôn trăn trở về đổi mới phương pháp dạy học, để nâng cao chất lượng đào tạo và khẳng định vị thế của nhà trường trong nền giáo dục tỉnh nhà.

Theo thầy Hải, thay đổi phương pháp giáo dục là một điều khó khăn khi lối mòn tư duy trong cách giảng dạy truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức của học sinh và giáo viên. Nhưng bằng trách nhiệm và sự tận tâm của mình, các thầy cô đã nỗ lực, kiên trì, tìm tòi, sáng tạo mang đến những phương thức giảng dạy mới, đạt hiệu quả cao.

"Lãnh đạo trường luôn khuyến khích, động viên giáo viên trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Dạy học không được nặng về truyền thụ kiến thức một chiều, không được đọc chép mà phải tập trung vì mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất người học. Tăng cường những giờ ngoại khóa vừa giúp học sinh có thêm kiến thức xã hội, vừa phát triển những kĩ năng sống cơ bản cho học sinh. Phong trào thao giảng dự giờ trở thành hoạt động thường xuyên được giáo viên thực hiện để trao đổi, học tập, giúp đỡ lẫn nhau. Đổi mới sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học là việc làm cần thiết để đổi mới phương pháp dạy học. Chúng tôi còn cho tiến hành sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn liên trường với các trường THPT trong huyện để góp phần nâng cao hiệu quả của đổi mới phương pháp dạy học", thầy Hải cho biết thêm.

Hà Tĩnh: Ngôi trường tiên phong đổi mới phương pháp dạy và học - Ảnh 3.

Học sinh hào hứng với tiết học đổi mới phương pháp dạy học

Tuy nhiên, việc đổi mới phương pháp dạy học hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Đổi mới phương pháp không thể thiếu sự hỗ trợ của cơ sở vật chất hiện đại như công nghệ thông tin, thiết bị thực hành thí nghiệm, phòng tập đa năng… Mặc dù nhà trường đã nỗ lực cố gắng để đầu tư cơ sở vật chất cho việc dạy học. Song, so với nhu cầu thực tiễn cơ sở vật chất của trường vẫn còn nghèo, lạc hậu. Điều này cũng trở thành rào cản trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của trường.

Tuệ Nhi