Góp ý văn kiện Đại hội Đảng: Cần chú ý đến việc học tập của người lớn

(Dân trí) - Ngoài việc quan tâm đến việc học tập của trẻ em chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến việc HỌC TÂP CỦA NGƯỜI LỚN – nguồn nhân lực làm ra của cải xã hội ngay lập tức.

Trong dự thảo Văn kiện Trình Đại hội XII của Đảng có ghi: "….Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD và ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất năng lực của người học…Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập… Đổi mới căn bản công tác quản lý GD- ĐT, bảo đảm dân chủ thống nhất, tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GD –ĐT, coi trọng quản lý chất lượng… Phát triển một đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới ngành giáo dục và đào tạo…Đổi mới cơ chế chính sách tài chính…Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng KH – CN….”( trang 36,37 của Dự thảo Văn kiện Trình Đại hội XII của Đảng).

Chúng tôi thấy những ý trên là rất đúng nhưng chưa đủ. Bởi vì theo khuyến cáo của tổ chức UNESCO qua 6 lần Hội nghị (Từ năm 1949 đến năm 2009) phải đặc biệt chú ý đến việc HỌC TẬP CỦA NGƯỜI LỚN.

Cả thế giới đến thế kỷ này - thế kỷ của nền văn minh trí tuệ xã thông tin và kinh tế trí thức - không ai học một lần mà biết cả đời và không ai cả đời không học mà tồn tại. Thế giới đã thành lập “Liên minh vì giáo dục cho mọi người”, nhiều nước đã hưởng ứng thành lập tổ chức trên và hàng năm phát động “Tuần lễ học tập suốt đời” trong đó có Việt Nam.

Vì vậy ngoài việc quan tâm đến việc học tập của trẻ em chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến việc HỌC TÂP CỦA NGƯỜI LỚN – nguồn nhân lực làm ra của cải xã hội ngay lập tức. Tỷ lệ người lớn trong xã hội chiếm tới 2/3 dân số. Đối với Việt Nam số người lớn chiếm khoảng 70/100 triệu người. Nếu nói “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, giáo dục phổ thông là tương lai của đất nước, là sức mạnh tương lai của dân tộc” thì phải nói “người lớn hôm nay, thế giới ngày nay và cả thế giới ngày mai”.

Giáo dục người lớn là sức mạnh của đất nước hôm nay và cũng là sức mạnh của đất nước ngày mai”. Các nhà Phương Đông học đã nghiên cứu hai chữ tượng hình: ”学习“(HỌC TẬP). “Học” là ngọn đèn sáng trên mái nhà ở dưới có người học”; “Tập” là 2 mũi dùi trí tuệ (một của người lớn, một của trẻ em) chọc thủng bức tường ngu dốt của nhân loại để xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu. Mũi dùi của người lớn to, mũi dùi của trẻ em nhỏ.

Cho nên cần bổ sung vào Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII một mục: “GIÁO DỤC NGƯỜI LỚN”, phải quan tâm giáo dục người lớn như một nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách để thiết thực thực hiện xây dựng Xã hội học tập và học tập suốt đời ở thời kỳ hội nhập WTO và tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.

Đặc biệt, phải đẩy mạnh việc học tập suốt đời trong “gia đình, dòng họ,đơn vị, cộng đồng”. Phải đầu tư cả tâm lực, trí lực, sức lực, tài lực cho việc học tập của người lớn; Phải có thiết chế quản lý việc học của người lớn. Phải có hệ thống quản lý việc học của người lớn đủ mạnh; Phải coi các Trung tâm học tập cộng đồng, xã, phường là trường học tại chỗ ở mỗi địa phương cho người lớn; Phải thực hiện công thức 3T+Q +H ( Tự học, tại chỗ, thường xuyên, có quản lý, có hướng dẫn ) để không ngừng phát triển mạnh số lượng và nâng cao chất lượng việc học của người lớn; Phải sớm đưa công nghệ thông tin vào cộng đồng để nâng cao chất lượng và hiệu quả việc học tập của người lớn; Phải có cơ chế chính sách tối ưu cho việc học của người lớn tương xứng với vị trí, vai trò của người lớn trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

ThS Trần Xuân Đình

Chánh Văn phòng TW Hội Khuyến học Việt Nam