Giáo dục giới trẻ theo tinh thần nhà Phật để bớt bạo lực học đường

Sự phát triển của mạng internet, tạp chí, phim ảnh... đã ảnh hưởng đến cách hành xử, thái độ, tư tưởng của giới trẻ theo nhiều chiều. Theo các chuyên gia tâm lý, đã đến lúc phải nhìn nhận lại vấn đề giáo dục lối sống cho giới trẻ để định hướng họ đến với những giá trị chân – thiện – mỹ.

Nhà báo Bùi Lan Xuân Phượng- chủ dự án Phật giáo và tuổi trẻ
Nhà báo Bùi Lan Xuân Phượng- chủ dự án ""Phật giáo và tuổi trẻ"

Thực trạng cần thay đổi

Thời gian gần đây, trên mạng internet xuất hiện ngày càng nhiều clip đánh nhau giữa các học sinh. Có một thực tế đau lòng là các em trong clip sẵn sàng hành xử theo kiểu giang hồ và những em khác bên ngoài đứng xem với thái độ thờ ơ. Bên cạnh đó, thế giới ảo cũng lan truyền nhiều hành vi miệt thị, gây hiềm khích, lăng mạ người khác từ những người trẻ. Nhiều người vì sức ép trong cuộc sống gia đình, việc học hành ở trường lớp nên khi vào thế giới ảo, thấy cư dân mạng chửi cũng bắt chước hùa theo.

Một luật sư thuộc đoàn luật sư TPHCM từng chia sẻ, hầu hết người chưa thanh niên phạm tội bắt nguồn từ kỹ năng sống kém, không đủ nhận thức chọn lọc đối tượng giao tiếp, không tự mình phân biệt đúng sai nên dễ dàng bị dụ dỗ, lôi kéo vào con đường phạm pháp. Bên cạnh đó, tính hiếu thắng, bốc đồng kiểu muốn tự khẳng định mình hoặc vì những lý do nhỏ nhặt khác cũng có thể là động lực thúc đẩy các em này nổi loạn, phản kháng hoặc tham gia tội phạm với tính chất và mức độ rất nguy hiểm, man rợ.

Thực trạng này cho thấy lỗ hổng có hệ thống của giáo dục kỹ năng sống, ứng xử với xung đột trong xã hội, trong cuộc sống với bộ phận giới trẻ. Những môn học về giáo dục công dân, giáo dục kỹ năng sống trong môi trường giáo dục không được chú trọng khiến các em mất dần phương hướng trong giao tiếp.

Hướng người trẻ theo tư tưởng Phật giáo

Theo nhà báo Bùi Lan Xuân Phượng, người đang điều hành Dự án "Phật giáo và tuổi trẻ" thì trong bối cảnh xã hội hiện nay, Phật giáo có ý nghĩa lớn lao đối với tuổi trẻ. Chị Phượng chia sẻ: "Vì sao Phật giáo cần cho tuổi trẻ và người trẻ thật sự cần gì ở Phật giáo? Câu hỏi này không đơn giản, đôi khi là cả một học thuyết. Nhưng, ở nghĩa đơn giản nhất, tuổi trẻ cần ở Phật giáo ở 3 điểm chính yếu: Trí – Dũng - Bi. Theo đó, tuổi trẻ cần trang bị cho mình một nguồn kiến thức sâu rộng để có ích cho bản thân và xã hội - một tinh thần dũng cảm dám đương đầu với khó khăn thừ thách – một tấm lòng từ bi để biết yêu thương và cảm thông. Với tình yêu và lý tưởng đẹp đẽ sẵn có, nếu người trẻ được thắp sáng và tiếp sức bởi những điều này thì họ sẽ trở nên bản lĩnh, mạnh mẽ và hữu ích trong cuộc sống".

Thực tế cho thấy, nếu chỉ có trí và dũng mà không có tâm từ bi thì con người dễ ngã mạn, tự cao tự đại, không có lòng cảm thông với tha nhân. Nhưng chỉ có bi mà thiếu trí, dũng thì con người cũng sẽ trở nên yếu đuối, thiếu phương tiện và ý chí để làm việc hữu ích. Và, chỉ có bi và dũng mà không có trí thì người trẻ thiếu phương tiện để làm việc tốt, không thể phát huy hết khả năng của mình, không biết con đường chánh đạo để đi. Nếu có trí và bi mà thiếu dũng thì con người thiếu lửa, thiếu sự dấn thân, lúc đó, tất cả những ước mơ hoài bão chỉ dừng lại ở lý thuyết và trong trí tưởng tượng.

Cũng theo chị Xuân Phượng, việc học tập, chuyển hoá và thực hành 3 tinh thần này không phải một sớm một chiều có thể thực hiện được. “Có nhiều phương thức cho người trẻ chọn lựa như đọc sách, hành thiền, lắng nghe các bậc tiền bối giải thích, và quan trọng hơn hết là thực hành trong đời sống hằng ngày, từng việc nhỏ, từng phút giây. Khi biết kết hợp nhuần nhuyễn và linh động bi trí dũng, người trẻ đang thật sự hướng đến một cuộc sống tinh tấn và an lành từ bên trong”, nữ nhà báo này chia sẻ.

Với hơn 20 năm cầm bút, Nhà báo Bùi Lan Xuân Phượng đã gắn bó với nhiều tờ báo như Mực Tím, Hoa Học Trò, Tiếp Thị & Gia Đình và viết bài cho báo Thế Giới Văn Hoá, Phong Cách, Thể Thao Ngày Nay... Chị cũng được biết đến trong vai trò trưởng ban biên tập tạp chí Sức Sống Mới trong nhiều năm. Ngoài ra, chị còn cộng tác với một số báo như Tuổi Trẻ, Phụ Nữ… hiện là nhà báo tự do, đang cộng tác thường xuyên với tờ Giác Ngộ.

Trong suốt quá trình làm báo, chị đã đạt một số giải thưởng về sáng tác và thực hiện nhiều bài viết về những nhân vật đặc biệt như: Bà Tôn Nữ Thị Ninh (nguyên phó chủ nhiệm uỷ ban đối ngoại quốc hội), Ông Trịnh Xuân Thuận (nhà thiên văn học người Mỹ gốc Việt), Ông Bùi Văn Nam Sơn (nhà văn hoá, giáo sư và dịch giả triết học), Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc…

Từ năm 2008 đến nay chị thường xuyên viết bài về Phật giáo và hiện tại đang nghiên cứu Dự án "Phật giáo và tuổi trẻ” của Sala foundation, dự kiến sẽ khởi động trong thời gian tới. Đây là dự án phi lợi nhuận với mục đích mang những giá trị tốt đẹp của Phật giáo đến cho người trẻ để ứng dụng được trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Từ đó hình thành nên một cộng đồng người trẻ có trí tuệ và tấm lòng sống có ích cho xã hội.