Giáo dục công dân - không chỉ là môn thi của việc học thuộc lòng

(Dân trí) - Đề thi môn GDCD có 40 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, gồm 20% kiến thức lớp 11, 80% kiến thức lớp 12. Mỗi câu hỏi có 4 phương án trả lời và thí sinh phải chọn một đáp án đúng duy nhất.

Để đạt được kết quả tốt nhất, theo tôi các em học sinh cần lưu ý những điểm sau:


Thầy Nguyễn Xuân Thể (giáo viên Trường Quốc tế Á Châu) - tác giả bài viết.

Thầy Nguyễn Xuân Thể (giáo viên Trường Quốc tế Á Châu) - tác giả bài viết.

Thứ nhất, nắm vững kiến thức SGK

Việc nắm vững kiến thức trong SGK giúp các em dễ dàng đạt mức 5 điểm. Điểm mới của năm nay là có cả nội dung của chương trình GDCD 11 (chiếm khoảng 20%). Đề thi về nguyên tắc phải đảm bảo nội dung trong SGK đủ để đạt điểm trung bình. SGK là tài liệu đầu tiên và tiên quyết. Khi nắm vững lý thuyết thì đọc đáp án lên các em dễ dàng nhận ra đáp án đúng mà không lo đáp án nhiễu.

Thứ hai, học - hiểu

- Lớp 11: là nội dung liên quan đến các vấn đề về kinh tế và chính sách của nhà nước, vì thế việc đọc để hiểu nội dung trong các vấn đề kinh tế và tinh thần của chính sách để hiểu và vận dụng vào tình hình thực tế là rất quan trọng.

- Lớp 12: Học luật, hiểu là rất quan trọng. Nếu chỉ học thuộc mà không hiểu thì khi gặp đáp án nhiễu tương tự đáp án đúng các em sẽ dễ đánh nhầm đáp án hoặc rất mất thời gian phân biệt.

Như tiêu đề tôi đã nói, đây không chỉ là môn thi của việc học thuộc lòng, vì bên cạnh học thuộc lòng các em cần phải hiểu bài thật chính xác (vì luật và chính sách thì không được sai dù một ly sẽ đi một dặm) để từ đó vận dụng vào các câu hỏi cụ thể.

Thứ ba, vận dụng linh hoạt trong xử lý tình huống

Các câu hỏi tình huống từ 12 đến 14 câu với độ khó khác nhau trong cả chương trình lớp 11 và 12 (chủ yếu là lớp 12).

- Để đối phó với các câu hỏi tình huống, các em cần liệt kê các nhận vật có trong tình huống cùng với việc làm của họ, sau đó đọc kỹ phần câu hỏi, có thể đề sẽ hỏi ai vi phạm pháp luật, cần bị tố cáo, bị truy tố trách nhiệm pháp lý… thì sẽ chọn những nhân vật có việc làm vi phạm. Còn đề thi hỏi vi phạm gì thì phải phân tích tình huống và tìm trong những người vi phạm đó, ai vi phạm điều mà đề thi hỏi để chọn đáp án đúng nhất.

- Các em cần có kiến thức xã hội, vận dụng linh hoạt vào cuộc sống và luyện tập những câu hỏi tình huống và những đề thi giả định. Theo đó các em cần hình thành thói quen khi đối mặt với những câu hỏi tình huống được xem là phần khó nhất của đề thi.

Thứ tư - Bản lĩnh, tự tin và cố gắng

Việc làm bài và thi là kết quả của quá trình khổ công học tập và ôn luyện, không phải do “học tài thi phận”. Đó là lúc chứng tỏ khả năng, bản lĩnh của mình và hãy tự thực hiện nó.

Thứ năm - Học và nhớ

Nên nhớ rằng tất cả những nội dung hỏi trong đề thi đều đã được học và chỉ tạm thời trong câu nào đó chúng ta quên nên lúc đó các em cần tập trung vào bài làm, suy nghĩ vào câu hỏi và từ khóa để gợi nhớ kiến thức và làm bài chính xác nhất.

Lên kế hoạch và có chiến lược ôn thi hợp lý, giúp các em tự tin chinh phục kỳ thi quan trọng để bước vào giảng đường đại học.
Lên kế hoạch và có chiến lược ôn thi hợp lý, giúp các em tự tin chinh phục kỳ thi quan trọng để bước vào giảng đường đại học.

Một số điều cần lưu ý:

Thứ nhất, tránh trường hợp các em đọc không kỹ đề, không xác định được ‘‘từ khóa’’ trong câu hỏi.

Thứ hai, không được dừng quá lâu ở một câu. Với thời lượng 40 câu/50 phút, trung bình mỗi câu chỉ được làm trong 1 phút. 10 phút còn lại để tô đáp án, kiểm tra sai sót… Do đó, nếu dừng lại quá lâu ở một câu sẽ không có thời gian làm các câu khác.

Khi làm bài, các em lưu ý, đối với các câu hỏi khó, khi đọc lên nếu chưa xác định được đáp án đúng thì phải bỏ qua. Câu nào cả 4 đáp án đều thấy ‘‘hình như đúng’’ cũng bỏ qua, đánh dấu bên lề để sau đó quay lại. Các câu nắm chắc kiến thức, chắc đáp án sẽ làm trước, rồi đến các câu loại suy và các câu tình huống.

Thứ ba, tâm lý vững vàng khi làm bài. Có thể hết 2/3 thời gian sẽ có những thí sinh nộp bài, điều đó ảnh hưởng đến tâm lý các em. Các em cứ bình tĩnh, phân bố thời gian hợp lý và tuyệt đối không nộp bài sớm, Các em đã đợi 12 năm thì 50 phút làm bài là lúc các em tận dụng nó triệt để chứ không phải theo phong trào.

Thứ tư, sắp xếp thời gian ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, không để các vấn đề như game, mạng xã hội, world cup… làm ảnh hưởng đến quá trình ôn luyện của mình.

Thứ năm, môn thi cuối không phải là thi xong. Như một cuộc thi chạy giai đoạn cuối là giai đoạn nước rút, GDCD là môn thi sau cùng không phải là lúc nghỉ ngơi mà là lúc các em tăng tốc để về đích nên các em vẫn phải đặt mình trong trạng thái làm việc tốt nhất

Để làm bài thi được điểm 5, 6 cần tập trung vào các vấn đề cơ bản trong cả chương trình 11 và 12 nhưng để đạt điểm 8, 9 cần nỗ lực rất nhiều, không chỉ nắm vững kiến thức, hiểu và vận dụng linh hoạt, các em còn phải biết phân bố thời gian làm bài và xử lý các câu hỏi một cách hợp lý nhất để giành được số điểm tối đa.

Chúc các em ôn luyện và thi tốt!

Thầy Nguyễn Xuân Thể

(Giáo viên Trường Quốc tế Á Châu)