TP Huế:

Giảng viên nghề du lịch tại Huế thi tài dạy giỏi

(Dân trí) - Trong 1 tuần từ 15-22/4 tại trường Cao đẳng Nghề Du lịch Huế (TP Huế) đã tổ chức Hội giảng giáo viên dạy giỏi năm 2017 nhằm mục tiêu đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt; khuyến khích, động viên giáo viên dạy nghề học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Các khoa của trường Cao đẳng Nghề Du lịch Huế đã lựa chọn 15 giảng viên tham gia Hội giảng cấp trường trong đó, 10 giảng viên là nữ, 5 giảng viên nam. Người có tuổi đời cao nhất 47 tuổi và thấp nhất là 26 tuổi. Trong 15 bài giảng, có 07 bài giảng lý thuyết, 02 bài giảng thực hành và 06 bài giảng tích hợp.

Mỗi giáo viên tham gia hội giảng sẽ thực hiện 3 nội dung: Phần hiểu biết sẽ thi tập trung theo hình thức thi trắc nghiệm trong thời gian 20 phút với 20 câu hỏi, nội dung được tập trung nhiều về các văn bản mới ban hành theo Luật Giáo dục nghề nghiệp và các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; Phần giảng dạy theo từng bài giảng chuyên môn được sắp xếp theo các Hội đồng thi và Phần xử lý tình huống sư phạm.

15 giảng viên dự thi của trường Cao đẳng Nghề Du lịch Huế chụp ảnh cùng Ban giám khảo trước khi vào thi Hội giảng giáo viên dạy giỏi 2017
15 giảng viên dự thi của trường Cao đẳng Nghề Du lịch Huế chụp ảnh cùng Ban giám khảo trước khi vào thi Hội giảng giáo viên dạy giỏi 2017

Theo Th.s. Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Cao đẳng Nghề Du lịch Huế, Hội giảng là ngày hội để giáo viên giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về dạy nghề; nâng cao năng lực sư phạm và đổi mới các phương pháp dạy nghề có hiệu quả. Các giáo viên dạy nghề du lịch trong thời đại mới cần phải tiếp cận tri thức mới, ứng dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy, rèn luyện kỹ năng nghề gắn với từng nghiệp vụ thực tiễn tại doanh nghiệp để nâng cao chất lượng dạy và học.

“Thông qua Hội giảng, có thể đánh giá lực giảng dạy thực tế của đội ngũ giáo viên, trên cơ sở đó giúp nhà trường xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và lựa chọn giáo viên tham gia Hội giảng các cấp trong thời gian tới.

Với truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt, tôi cho rằng nghề giáo là một nghề khó và đang được xã hội quan tâm, kỳ vọng để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà. Tôi mong rằng, mỗi nhà giáo là một tấm gương sáng để cho các em noi theo và các thầy, cô sẽ cảm thấy tự hào, cảm nhận được nhiều niềm vui khi nhìn vào ánh mắt của mỗi sinh viên khi tự mình chiếm lĩnh được tri thức, thực hiện được các kỹ năng và làm hoàn thiện được quy trình, sản phẩm” – thầy Phương chia sẻ.

Đại Dương