Chưa học tốt Tiếng Anh vì bạn chưa đủ… “muốn”

Câu chuyện về thầy Phạm Trọng Hiếu (Học viện Tài chính) được rất nhiều bạn trẻ truyền tai về niềm đam mê, sự quyết tâm và thái độ nghiêm túc trong khoa học.

Một sinh viên không được học tiếng Anh hay ngôn ngữ, dạy tiếng Anh từ năm thứ 3 đại học với một niềm đam mê và phương pháp tiếp cận hoàn toàn mới.
 
Làm được khi có đủ… muốn

Chưa học tốt Tiếng Anh vì bạn chưa đủ… “muốn” - 1

“Thầy Hiếu”, cái tên các bạn sinh viên vẫn trìu mến gọi, sinh năm 1987 tại Phú Thọ, một vùng quê mà Hiếu chia sẻ với chúng tôi đã được cộng 1,5 điểm ưu tiên khi thi đại học. Hiếu trước học khối A, thi đỗ Học viện Tài chính, ngành Tài chính ngân hàng năm 2005. Hành trang học đại học của anh là vốn tiếng Anh “miền núi”. Những ngày đầu học đại học, Hiếu thấy có một định kiến “tiêu cực” về sinh viên Tài chính: kém năng động và yếu tiếng Anh. “Vậy là mình học ngoại ngữ và quyết tâm phá vỡ cái định kiến đó” - Hiếu chia sẻ.
 
Với sự quyết tâm và nỗ lực, tới năm thứ ba Hiếu đã bước đầu phá bỏ được định kiến cố hữu đó, trước hết bằng việc bản thân Hiếu có thể sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo và sau đó Hiếu bắt đầu đi dạy tiếng Anh. Tháng 04 năm 2011, anh đã được Học viện Giáo dục Úc công nhận giáo viên chuẩn TESOL và hiện nay lớp “Tiếng Anh thầy Hiếu” là địa chỉ thường xuyên của hơn 500 sinh viên trên khắp TP Hà Nội, từ khóa “Tiếng Anh Thầy Hiếu” đã trở nên rất phổ biến trên Google.
 
“Những ngày đầu, rất nhiều người nói qua nói lại khi nghe mình chia sẻ ý định sẽ dạy Tiếng Anh. Họ lập luận, lấy cớ gì mà một người không được đào tạo về ngoại ngữ hay tiếng Anh, nói thì lắp ba lắp bắp lại có thể dạy nổi tiếng Anh, một ý định phi thực tế.” - Hiếu vừa cười vừa nói. Nhưng sau đó vượt qua rất nhiều khó khăn, dần dần cái tên “thầy Hiếu” đã được nhiều sinh viên nhắc đến.
 
“Chỉ cần có một quyết tâm, một đam mê, và sự nghiêm túc trong khoa học, các bạn có thể làm được những điều mà người khác coi là mình không thể” - Hiếu tự tin khẳng định.
 
Cách nhìn mới về một vấn đề không mới

Chưa học tốt Tiếng Anh vì bạn chưa đủ… “muốn” - 2

Khi được chúng tôi hỏi về phương pháp, Hiếu nói: “khi học tiếng Anh, cần phải chú trọng vào việc sử dụng tiếng Anh như thế nào chứ không nên chú trọng quá nhiều vào những hiện tượng ngữ pháp. Ta sử dụng tiếng Việt rất thành thạo, nhưng nếu cắt nghĩa về ngữ pháp, thì không phải ai cũng làm được. Giống như vậy, khi tôi trò chuyện với các bạn người Mỹ, họ cũng không thể cắt nghĩa được chính các hiện tượng ngữ pháp mà chúng ta đang học trong “Môn tiếng Anh”. Nghĩa là, hãy coi học tiếng Anh là học ngôn ngữ theo đúng nghĩa chứ không phải coi nó là một Môn học với hàng loạt các nguyên tắc khó nhớ…”.
 
Vậy thế nào là học tiếng Anh theo đúng nghĩa là học ngôn ngữ?
 
“…Nền tảng cho việc học ngôn ngữ đầu tiên là ngữ âm: 90% người học tiếng Anh không thể nghe được những từ mình biết do cách phát âm và ngữ âm theo kiểu “Anh Việt”, cách dùng thanh điệu sai vì nghĩ tiếng Anh không có thanh điệu, đồng thời không biết về tiếng Anh tự nhiên khi giao tiếp thông thường. Ví dụ, chúng ta luôn học khi gặp nhau phải nói: “Hello, how are you?”, đáp lại là “I’m fine, thank you, and you?”. Tuy nhiên, người nước ngoài gặp nhau lại thường không nói như vậy.
 
Học ngữ pháp rất quan trọng, nhưng cần có cái nhìn đúng đắn về việc học ngữ pháp. Ngữ pháp là việc sắp xếp các gốc từ thành từ, từ thành cụm, các cụm thành mệnh đề và các mệnh đề thành câu. Phương pháp tôi sử dụng là “Đối chiếu ngôn ngữ”, nghĩa là phân tích các từ, cụm từ, mệnh đề và câu của tiếng Việt để đối chiều với cách sử dụng chúng trong tiếng Anh. Ví dụ đơn giản nhất, nếu trong tiếng Việt là từ ghép, thì có thể ghép các từ hoặc gốc từ để tạo nên từ tiếng Anh, vì sao “Airline” lại là hàng không? Vì nó là hàng (line) + air (không), tương tự “ngoại tệ = Foreign (ngoại) + Currency (tệ)”, “because” = be + cause” v..v..

Chưa học tốt Tiếng Anh vì bạn chưa đủ… “muốn” - 3

Ngoài ra, Hiếu còn nói: ”Mình nghĩ điều quan trọng là làm sao khuyến khích và khơi gợi trong bạn được sự say mê, vui thích với học tiếng Anh. Muốn như vậy, phải biến tiếng Anh trở thành điều thú vị hơn là một áp lực học hành…” Trò chuyện với các sinh viên của Hiếu, đọc những lời nhắn của sinh viên cho anh trên Facebook, chúng tôi cảm thấy được ở anh một sự nhiệt huyết, hết lòng với sinh viên của mình, đặc biệt là sinh viên Học viện Tài chính.
 
Chúng tôi hỏi Hiếu: “Tại sao Hiếu không dạy ở trường khác hay một trung tâm?”. Hiếu chỉ cười và nói: “Mình sẽ ở đây. Đã, đang và sẽ tiếp tục phá vỡ cái định kiến về sinh viên Tài chính: kém tiếng Anh, cái định kiến mà người ta vẫn gán cho tôi và rất nhiều bạn sinh viên khác từ những năm đầu đại học”.
 
Qua câu chuyện về thầy Hiếu, một người không được học chuyên ngoại ngữ, một người bị tật nói lắp từ nhỏ, nhưng lại trở thành thầy dạy Tiếng Anh nổi tiếng bởi nghị lực, niềm đam mê, và sự nhiệt huyết, chúng tôi muốn gửi gắm tới các bạn thông điệp: “Khi các bạn muốn, các bạn sẽ làm được, khi các bạn chưa làm được tức là ta muốn chưa đủ nhiều. Hãy coi tiếng Anh như một công cụ vì đó thực chất chỉ là một công cụ, nắm lấy công cụ đó là điều hoàn toàn nằm trong khả năng của chính các bạn”.
 
Hi vọng rằng sẽ còn nhiều sinh viên có cách nghĩ như Hiếu, như vậy tiếng Anh sẽ không phải là vấn đề quá lớn.