Bạc Liêu: Hơn 1.400 học sinh bỏ học trong năm học 2015-2016

(Dân trí) - Năm học vừa qua (2015-2016), toàn tỉnh Bạc Liêu có trên 1.400 học sinh bỏ học vì nhiều nguyên nhân.

Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu cho biết, đầu năm học 2015-2016, toàn tỉnh có tổng số học sinh (HS) là 140.111 em. Đến cuối năm học giảm 4.577 em, trong đó có đến 1.455 em bỏ học (chiếm tỷ lệ 1,04%).

Cụ thể, bậc Tiểu học có 98 em bỏ học (chiếm 0,13%), bậc THCS có 842 em (chiếm 1,72%) và bậc THPT có 515 em (chiếm 3,51%). Các địa phương có số HS bỏ học nhiều nhất là huyện Phước Long, Hồng Dân,… Trong khi đó, Trường THPT Phan Ngọc Hiển (TP Bạc Liêu) có số HS bỏ học cao nhất, với 103 em.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến HS bỏ học là do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, học lực kém,…

Cũng trong năm học qua, có đến 4,73% tỷ lệ HS có học lực yếu, kém ở bậc THCS và 9,24% ở bậc THPT. Đáng chú ý, Trường THPT Chuyên Bạc Liêu có một HS xếp loại học lực yếu.

Tỉnh Bạc Liêu vẫn còn nhiều học sinh bỏ học vì những nguyên nhân khác nhau, trong đó có học lực yếu kém (Ảnh minh họa)
Tỉnh Bạc Liêu vẫn còn nhiều học sinh bỏ học vì những nguyên nhân khác nhau, trong đó có học lực yếu kém (Ảnh minh họa)

Đánh giá về những khó khăn trong năm học qua, theo Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu, ở bậc Tiểu học, giáo viên (GV) vẫn còn gặp không ít khó khăn trong việc đánh giá HS theo Thông tư 30, nhất là những trường trọng điểm trên địa bàn TP Bạc Liêu, những trường có chất lượng giảng dạy tốt. Nguyên nhân một phần là do vẫn còn tình trạng chạy trường, chạy lớp đối với nơi này nên làm cho số HS/lớp rất cao. Trong khi đó, vẫn còn nhiều trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy 2 buổi/ngày, làm hạn chế việc nâng cao chất lượng học tập của HS.

Đối với cấp THCS và THPT thì phần lớn cán bộ quản lý, GV vẫn còn lúng túng trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực; công tác quản lý, điều hành của cán bộ quản lý cũng như tinh thần, thái độ, ý thức, trách nhiệm của GV, nhân viên trong thi hành công vụ còn nhiều bất cập, hạn chế.

Đánh giá về công tác kiểm định chất lượng giáo dục, theo Sở GD-ĐT, năm qua, Sở đã tổ chức đánh giá ngoài đối với 59 trường mầm non và phổ thông. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Báo cáo tự đánh giá có hiện tượng sao chép, chưa đảm bảo theo yêu cầu quy định của Bộ GD-ĐT; mô tả hiện trạng của tiêu chí không đúng với yêu cầu của chỉ số, minh chứng thiếu thuyết phục, thậm chí có đơn vị còn “phục hồi” minh chứng,…

Trong năm học mới (2016-2017), lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu cho biết, nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên là coi trọng giáo dục đạo đức, hạnh kiểm, ý thức tự học, tự rèn luyện cho HS. Kiên quyết đấu tranh không để xảy ra tình trạng ngồi nhầm lớp, khắc phục có hiệu quả tình trạng trốn học, bỏ học để hạn chế thấp nhất tỷ lệ HS yếu kém.

Lãnh đạo ngành sẽ kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về chuyên môn nghiệp vụ; kiên quyết xử lý, chấn chỉnh những lệch lạc về quản lý Nhà nước trong các hoạt động giáo dục đào tạo trong toàn ngành và trong từng đơn vị, trường học.

Huỳnh Hải