5 năm một chặng đường lưu truyền nét chữ cổ

(Dân trí) - Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng (thuộc Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng) vừa tổ chức kỷ niệm 5 năm thành lập (24/9/2012-24/9/2017). Một chặng đường đã qua là bao nhiêu trăn trở, những khó khăn, nhưng cũng đầy tự hào trên chặng đường gìn giữ, truyền dạy những nét chữ cổ, phát huy truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc.

Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Hán Nôm - Đà Nẵng
Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Hán Nôm - Đà Nẵng

Ban đầu chỉ là một CLB Hán Nôm nhỏ của quận Hải Châu gồm 4 thành viên tự học chữ Hán Nôm đó chính là Đại tá Huỳnh Phương Bá, Đại tá Nguyễn Đình Ngật, Đại tá Nguyễn Xuân Đáng và Thượng tá Phó Đức Vượng. Dần dần CLB thu hút và phát triển về quy mô, số lượng lên đến vài chục người đó chính là cơ sở để hình thành nên Trung tâm như bây giờ.

Trải qua 5 năm hình thành và phát triển, Trung tâm đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, cũng như số lượng học viên theo học hạn chế. Nhưng cho đến nay mọi khó khăn những cống hiến dần được đền đáp.

Trung tâm đã gặt hái được nhiều niềm vui, thành công khi mở được hai khóa học, mỗi khóa 3 năm, khóa đầu tiên khai giảng vào cuối năm 2012, bế giảng vào năm 2015 với 26 học viên. Khóa thứ hai được mở sau đó cho đến nay đã học được 2 năm với gần 50 học viên, thành phần học viên có cả nam lẫn nữ, có cả người hưu trí và đương chức với nhiều nghề nghiệp như: giáo viên, bác sĩ, nhà báo, cựu chiến binh, sinh viên...

Ông Trần Đình Liễn - Chủ tịch Hội Khuyến học TP Đà Nẵng phát biểu ghi nhận những nổ lực của Trung tâm với sứ mệnh giữ gìn và phát huy nét đẹp của văn hóa truyền thống
Ông Trần Đình Liễn - Chủ tịch Hội Khuyến học TP Đà Nẵng phát biểu ghi nhận những nổ lực của Trung tâm với sứ mệnh giữ gìn và phát huy nét đẹp của văn hóa truyền thống

Sau một thời gian hình thành trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng được mở rộng ra thêm nhiều CLB mới được thành lập như CLB Hán Nôm - Sơn Trà, sắp tới sẽ thành lập thêm CLB Hán Nôm - Liên Chiểu và nhiều CLB trên địa bàn các quận thành phố.

Trong những năm qua, Trung tâm Hán Nôm đã có những đóng góp rất lớn vào việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa, thẩm định giá trị các nguồn tư liệu cổ quý hiếm và đặc biệt liên quan đến chủ quyền đất nước như các thư tịch cổ liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung tâm cũng tham gia nhiều hoạt động dịch thuật miễn phí hàng trăm gia phả, chúc thư, sắc phong, chiếu dụ của các gia tộc từ khắp các tỉnh thành trong cả nước đóng góp những thông tin có giá trị lớn lao.

Trung tâm đã mở lớp giảng dạy miễn phí cho hàng chục học viên say mê dịch thuật, nghiên cứu chữ Hán Nôm giúp họ hiểu rõ hơn những giá trị văn hóa lớn lao ẩn chứa bên trong những nét chữ cổ, cũng như giúp ích cho việc nghiên cứu, tìm tòi lịch sử, văn hóa của thế hệ hiện đại qua câu đối, hoành phi, gia phả, thành ngữ, bia kí, văn bản cổ.

Trong buổi lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Hán Nôm. Đại tá Nguyễn Đình Ngật - Phó Giám đốc Trung tâm Hán Nôm xúc động chia sẻ: “Sau những khó khăn từ buổi đầu thành lập đến nay, chúng tôi rất vui mừng và xúc động khi những cố gắng của chúng tôi được đền đáp, về quy mô, số lượng và cả chất lượng, chúng tôi luôn cố gắng để đóng góp, chia sẻ với những ai có niềm đam mê học và tìm hiểu những nét chữ cổ, những nét chữ tượng hình ẩn chứa những giá trị văn hóa, lịch sử lớn lao”.

Cũng trong buổi lễ, ông Trần Đình Liễn - Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố, cũng bày tỏ sự xúc động về những khó khăn, thiếu thốn trong giai đoạn Trung tâm mới vừa thành lập đồng thời vui mừng và biết ơn những đóng góp mà Trung tâm Hán Nôm đã làm được, đã cống hiến cho không chỉ cho thành phố, trong việc, gìn giữ, giảng dạy, mà còn là những hoạt động to lớn khác.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở giáo dục đào tạo thành phố cho biết: “Với những đóng góp và thành tựu mà Trung tâm đã đạt được, trong tương lai sẽ triển khai liên kết, mở lớp học Hán Nôm cho cán bộ giáo viên tại các khoa Văn, Sử của các trường trung học, cao đẳng, đại học, những ngành có liên quan mật thiết với văn tự Hán Nôm, tạo điều kiện cho sinh viên tại các trường hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa của dân tộc ẩn sâu bên trong những nét chữ tượng hình”.

Chí Lê