Xuất hiện bằng chứng đầu tiên về một người bị chết do thiên thạch lao trúng

(Dân trí) - Tỷ lệ bị va chạm và chết bởi một thiên thạch được cho là thấp ở mức 1/250.000. Chắc không có bằng chứng đáng tin cậy và được ghi chép rõ ràng nào về việc có ai đó phải chịu số phận không may này.

Xuất hiện bằng chứng đầu tiên về một người bị chết do thiên thạch lao trúng - 1

Nhưng mới đây, các nhà nghiên cứu cho biết họ đã tìm thấy ba báo cáo chính thức khác nhau mô tả về một cuộc chạm trán gây tử vong với một vật thể ngoài hành tinh hơn 130 năm trước.

Vào khoảng 8.30 tối ngày 22 tháng 8 năm 1888, người ta đã nhìn thấy một quả cầu lửa trên bầu trời ngay trước khi một đám các mảnh thiên thạch rơi xuống như mưa ở một ngôi làng thuộc Sulaymaniyah, Iraq. Theo các bản thảo được lưu trữ tại kho lưu trữ của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, một người đàn ông đã chết sau khi bị va chạm, trong khi người thứ hai thì bị tê liệt nửa bên trái.

Sự kiện này dường như cũng đã được xác nhận bởi một báo cáo lên nhà vua Abdul Hamid II.

Trong bài báo học thuật mô tả lại phát hiện này, nhóm nghiên cứu cho biết vì các tài liệu này thu được từ nguồn chính thức của chính phủ và được viết bởi chính quyền địa phương, nên họ không có bất kỳ nghi ngờ gì về việc điều đó đã thật sự xảy ra. Họ cho rằng đây là “bằng chứng đầu tiên về một sự kiện chưa từng có là một thiên thạch đã va phải và làm chết một người đàn ông”.

Nếu được chấp nhận rằng những bằng chứng này đã được xác minh đầy đủ, các tài liệu này sẽ trở thành những ghi nhận sớm nhất về tai nạn do thiên thạch lao trúng con người.

Trước đây, tai tiếng này thuộc về thiên thạch Sylacauga, nó đã rơi trúng Ann Elizabeth Fowler Hodges khi bà đang ngủ trên ghế sô-pha trong một trang trại ở Albama, Mỹ vào tháng 11 năm 1954. Hodges đã bị bầm tím bởi những mảnh vỡ có vẻ đã bị văng ra từ chiếc đài phát thanh trước khi va vào chân bà, nhưng bà vẫn sống sót.

Một số ít tài liệu khác ghi nhận những sự kiện này gồm có một báo cáo được cho là từ năm 1677, khi một thầy dòng (thầy tu Công giáo nhưng không phải là linh mục) được cho là đã bị một viên đá lưu huỳnh từ “những đám mây” giáng xuống đùi và làm ông tử vong.

Gần đây, NASA đã bác bỏ các tuyên bố cho rằng một tài xế xe buýt ở miền nam Ấn Độ đã bị giết chết bởi một thiên thạch vào ngày 6 tháng 2 năm 2019. Cơ quan này cho rằng, khả năng một vụ nổ trên đất liền mới là nguyên nhân của sự kiện này.

Ngọc Anh

Theo Independent