Xe tự hành Opportunity đã ngừng hoạt động sau hơn 15 năm thám hiểm “hành tinh đỏ”

(Dân trí) - Một trong những câu chuyện thám hiểm vĩ đại của thời đại đã chính thức kết thúc.

Hơn 8 tháng trước đây, robot chạy bằng năng lượng mặt trời của Opportunity đã mất tín hiệu do ảnh hưởng của một cơn bão bụi trên hành tinh đỏ. Và kể từ ngày 12/2/2019 vừa qua, chiếc xe tự hành đã không còn trả lời Trái Đất nữa. Vì vậy, một ngày sau, tức là kể từ ngày 13/2/2019 nó được coi là vĩnh viễn ngừng hoạt động.

Ông Thomas Zurbuchen – Giám đốc dự khuyết của Ban điều hành Khoa học của NASA đã tuyên bố “Opportunity đã hoàn thành nhiệm vụ, và như vậy dự án xe tự hành thám hiểm sao Hỏa cũng đã kết thúc”.

Opportunity đã thám hiểm bề mặt sao Hỏa gần 15 năm, di chuyển còn hơn cả một cuộc chạy marathon và phát hiện ra bằng chứng xác đáng về cấu tạo của sao Hỏa thời xa xưa chủ yếu là nước. Chiếc xe tự hành to cỡ một chiếc xe chơi golf và chiếc xe “anh em song sinh” với nó là xe tự hành Spirit cũng góp phần “đem sao Hỏa đến gần Trái Đất” hơn.

Spirit và Opportunity “đã khiến cho sao Hỏa trở nên thân thuộc. Khi chúng tôi nói rằng “thế giới của chúng ta” thì nghĩa là không chỉ nói về Trái Đất mà còn bao hàm cả sao Hỏa nữa” – Giám đốc dự án Opportunity đã nói như vậy.

Tìm kiếm dấu vết của nước

Xe tự hành Opportunity đã ngừng hoạt động sau hơn 15 năm thám hiểm “hành tinh đỏ”  - 1

Hình minh họa xe Opportunity, chiếc xe đã đổ bộ lên “hành tinh đỏ” vào tháng 1/2004 – nguồn: NASA/JPL.

Spirit và Opportunity được phóng lên vào hai thời điểm khác nhau hồi mùa hè năm 2003 và là những sự kiện khởi động của nhiệm vụ xe tự hành thám hiểm sao Hỏa. Hai chiếc xe đã đổ bổ lên sao Hỏa cách nhau vài tuần trong tháng 1/2004. Spirit đổ bộ trước và hố va chạm sử dụng luôn làm căn cứ của nó được đặt tên là Gusev, nằm vào khoảng 14 độ Nam so với xích đạo của sao Hỏa. Opportunity đổ bộ lên bình nguyên Meridiani Planum ở vùng xích đạo phía bên kia bán cầu sao Hỏa so với hố va chạm Gusev.

Cả hai xe đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ tìm hiểu bề mặt sao Hỏa được dự kiến là kéo dài khoảng 90 ngày Trái Đất, một trong những nhiệm vụ đó là tìm kiếm các dấu hiệu của sự tồn tại của nước trên sao Hỏa trong quá khứ. Những bằng chứng đầu tiên trước đó đã được các vệ tinh Viking 1 và Viking 2 của NASA trên sao Hỏa gửi về và Opportunity đã cung cấp thêm những bằng chứng khẳng định điều đó. Những dữ liệu mà Opportunity thu thập được cho thấy trên sao Hỏa không chỉ có một đầm lầy hay một cái ao mà ít nhất là cả một vùng rộng lớn hàng km chứa nước trên bề mặt sao Hỏa.

Opportunity còn tiến hành phân tích các khoáng chất có trên bề mặt hành tinh này và kết quả cho thấy cách đây khoảng 3,5 đến 4 tỉ năm ở đây từng có nước và độ pH khá là trung tính, tức là nước ở dạng cơ bản, không quá chua. Hay có thể nói là vào thời điểm sự sống bắt đầu trên Trái Đất thì sao Hỏa cũng có điều kiện vật lí để các sinh vật có thể cư trú được.

Spirit cũng thu được những kết quả tương tự. Nó đã phát hiện ra một hệ thống thủy nhiệt cổ xưa tại hố va chạm Gusev. Điều này cho thấy ít nhất một số nơi ở sao Hỏa vừa có nước vừa có nguồn năng lượng có ích cho sự sống trong quá khứ.

Giáo sư khoa học vật lý Steve Squyres của Trường đại học Cornell, New York, Mỹ cho biết “mỗi phát hiện và đóng góp của Spirit đều tương đồng và có giá trị như của Opportunity”.

Những kỉ lục bị phá vỡ

Cả Spirit và Opportunity đều “sống” lâu hơn kế hoạch dự kiến.

Spririt đã bị sa lầy vào một hố cát vào đầu năm 2010, vì thế nó không thể từ mình định hướng để hứng năng lượng mặt trời và cuối cùng đã bị đóng băng đến chết.

Opportunity không bị rơi vào bẫy cát giống như Spirit, nó tiếp tục nghiên cứu đất đá ở 4 hố va chạm khác nhau ở ngoài bình nguyên Meridiani Planum. Tổng độ dài quãng đường chiếc xe đã đi khoảng 45 km, dài hơn quãng đường đi của bất kì phương tiện, máy móc hay nhà du hành nào đã đi trên các hành tinh khác ngoài Trái Đất.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 5/2018, khi đó Opportunity đang hoạt động ở hố va chạm Endeavour có đường kính khoảng 22 km, thì vệ tinh quan sát sao Hỏa của NASA đã phát hiện một cơn bão hình thành ở rìa hố va chạm này. Cơn bão mạnh lên rất nhanh, nhấn chìm chiếc xe và cuối cùng bao phủ toàn bộ hành tinh này.

Cơn bão bụi mịt mù che lấp cả ánh sáng mặt trời khiến cho chiếc xe không thể nạp lại ắc qui, vì thế nó rơi vào trạng thái ngủ mà không thể khởi động các máy sưởi bên trong xe. Đây là tình trạng nguy hiểm vì trên sao Hỏa nhiệt độ có thể xuống thấp tới mức làm vỡ những mối hàn máy móc hoặc những bộ phận quan trọng khác bên trong xe.

Và trên thực thế một tai nạn đã xảy ra: Opportunity đã mất tín hiệu từ ngày 10/6/2018. Các chuyên gia theo dõi hoạt động của xe nhận định khả năng là chiếc xe đã gặp sự cố cạn năng lượng.

Cho Opportunity một cơ hội

Cơn bão bắt đầu suy yếu vào cuối tháng 7 và đến giữa tháng 9 thì gần như ngừng hẳn và NASA bắt đầu tập trung để “đánh thức” Opportunity. Chiến dịch “lắng nghe tích cực” này bao gồm gửi các lệnh cho chiếc xe và lắng nghe xem có bất kì tiếng “bíp” phản hồi nào của xe hay không.

Chiến dịch này kéo dài vài tháng vì các chuyên gia của NASA nhận định nó rất quan trọng, ở nơi chiếc xe đang hoạt động, mùa gió sẽ bắt đầu vào tháng 11 và họ hi vọng gió to sẽ thổi sạch bụi khỏi những tấm pin mặt trời của Opportunity và xe có thể xạc lại ắc qui và trở lại hoạt động.

Nhưng điều đó đã không xảy ra và chắc chắn là sẽ không bao giờ xảy ra. Vì thế, lần đầu tiên trong vòng 15 năm, chúng ta phải làm quen mới một thế giới sao Hỏa, hay là cả hai thế giới sao Hỏa và Trái Đất không hề có Opportunity nữa.

Phạm Hường (Theo Live Science)