Xác ướp 400 năm tuổi làm thay đổi hiểu biết về bệnh viêm gan B

(Dân trí) - Kết quả mới phân tích nguyên nhân tử vong của một xác ướp 400 tuổi khẳng định tầm quan trọng của việc nghiên cứu những loại vi-rút thời xưa đối với việc chẩn đoán và điều trị bệnh hiện đại.

Xác ướp 400 năm tuổi làm thay đổi hiểu biết về bệnh viêm gan B - 1

Một cậu bé hai tuổi chết vào khoảng năm 1569 hóa ra không mất vì bệnh đậu mùa như đã tưởng trước đó, mà vì bệnh viêm gan B – nhờ các nhà khoa học đã giải mã bộ gen của xác ướp của cậu bé.

Theo các nhà nghiên cứu đến từ Đại học McMaster, Canada, sự phát hiện này khẳng định rằng con người đã mắc phải căn bệnh bí ẩn này hàng trăm năm.

Đứa trẻ được nhắc đến được chôn cất ở Nhà thờ Thánh Domenico Maggiore ở Naples, Ý, khoảng 440 năm tuổi, thêm bớt 60 năm. Thi thể của nó được khai quật khoảng giữa năm 1983 và 1985, và những dấu vết trên khắp cơ thể đã khiến các nhà nghiên cứu tin rằng đậu mùa – vi-rút Variola – là nguyên nhân tử vong.

Việc sử dụng kháng thể để tìm protein trong mẫu vật và kính hiển vi điện tử có vẻ đã khẳng định trong những mụn mủ này có các tế bào đậu mùa, và đây là một trường hợp quan trọng trong việc xác định lịch sử bệnh đậu mùa, được xem như là bằng chứng sớm nhất còn tồn tại về vi-rút thời Trung cổ.

Nhưng bằng chứng mới đã đánh bật giả thuyết đó.

Nhà nghiên cứu di truyền học tiến hóa và là nhà nghiên cứu chính Hendrik Poinar cho biết: “Những thông tin này nhấn mạnh tầm quan trọng của các phương pháp phân tử để giúp xác định sự tồn tại của những mầm bệnh chính trong quá khứ, cho phép chúng ta hạn chế tốt hơn thời gian chúng có thể lây bệnh cho con người”.

Với trẻ nhỏ, viêm gan B, một loại nhiễm trùng gan mà Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ước tính đã giết chết 786,000 người trên thế giới mỗi năm, có thể gây nổi ban trên mặt, chân, mông và tay – tất cả những nơi xuất hiện vết rỗ trên xác ướp.


Viêm gan B gây nổi ban trên cơ thể bệnh nhân.

Viêm gan B gây nổi ban trên cơ thể bệnh nhân.

Đó là lí do tại sao bệnh nhiễm trùng có lẽ đã bị chẩn đoán sai và cho thấy một trong những vấn đề quan trọng với việc chẩn đoán những căn bệnh từ quá khứ.

Để xác định rằng đó là bệnh viêm gan B, các nhà nghiên cứu đã lấy những mẫu da và xương nhỏ, nối những mảnh thông tin di truyền lại với nhau để thu được một hình ảnh hoàn chỉnh hơn. Kết quả là một mẫu gen viêm gan B hoàn chỉnh được tìm thấy ở xác ướp – và không hề có tế bào bệnh đậu mùa.

Họ cũng sử dụng kính hiển vi điện tử quét và không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào về các tế bào tương tự như đậu mùa hay viêm gan B, mặc dù họ tìm thấy tế bào của một loại vi-rút chưa rõ nguồn gốc – cho thấy quá trình ướp xác có lẽ đã làm thay đổi hình dạng của tế bào vi-rút.

Điều này có thể giải thích lí do kết quả trước đây cho thấy những tế bào này có thể tương tự như tế bào đậu mùa. Nó cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác nhận chẩn đoán.

Các nhà nghiên cứu đã viết trong báo cáo như sau: “Điều này … làm sáng tỏ sức mạnh của ADN cổ trong việc cung cấp bằng chứng chính thức hoặc xác thực những chẩn đoán trong quá khứ, thời mà việc xác định nguyên nhân bệnh có thể không được chắc chắn và hình thái học quá phức tạp đối với những mẫu vật chính cung cấp những thời điểm quan trọng cho nguồn gốc hoặc sự xuất hiện của những mầm bệnh cụ thể”.

Thú vị ở chỗ, những kết quả chỉ ra một mối quan hệ khăng khít giữa bệnh viêm gan B từ thế kỉ 16 và bệnh viêm gan B hiện đại, cho thấy căn bệnh không thay đổi nhiều lắm, dù các loại vi-rút thường tiến hóa khá nhanh.

Họ cũng không thể tìm thấy cấu trúc niên đại của vi-rút này ở cả phiên bản thế kỉ 16 cũng như phiên bản hiện tại – đó là bằng chứng của sự tiến hóa theo thời gian, một dạng mốc thời gian về việc vi-rút này đã thay đổi ra sao và khi nào. Tức là các nhà nghiên cứu không thể sử dụng phương pháp đồng hồ phân tử để đánh giá nguồn gốc của vi-rút.

Tuy nhiên, phát hiện này đã làm sáng tỏ lịch sử của viêm gan B, và có lẽ nắm giữ những đầu mối quan trọng trong việc tìm hiểu cách kiểm soát nó hiện nay.

Poinar nói: “Chúng ta càng hiểu rõ về cách hoạt động của các đại dịch và những trận bùng phát dịch trong quá khứ, thì sẽ càng hiểu biết nhiều hơn về cách thức hoạt động và lây lan của những mầm bệnh thời hiện đại, và thông tin này sẽ giúp ích trong việc kiểm soát chúng”.

Lộc Xuân (Theo Science Alert)