Xác định được các tế bào kiểm soát cảm giác thèm ăn trong não

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Warwick ở Anh đã xác định được các tế bào não đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát cảm giác thèm ăn. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Molecular Metabolism, có thể hỗ trợ cải thiện chế độ ăn kiêng.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện thấy các tế bào não được gọi là tanycyte, phản ứng với các axit amin có trong thực phẩm. Các tế bào này xuất hiện trong một phần của não bộ có chức năng điều khiển mức năng lượng và sử dụng các thụ thể để cảm nhận hương vị của thức ăn.

Tanycyte tiếp nhận thông tin từ các axit amin có trong thực phẩm mà một người vừa ăn. Các tế bào dễ dàng phản ứng với các axit amin bao gồm arginine và lysine. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết những phản ứng này làm cho một người có cảm giác no hơn. Các thực phẩm giàu arginine và lysine bao gồm thịt vai của lợn, bít tết bò, thịt gà, cá thu, quả mận, quả mơ, quả lê, đậu lăng và hạnh nhân, khiến cho người ăn có cảm giác nhanh no.

Trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã truyền thêm các tín hiệu huỳnh quang vào arginine và lysine và bổ sung vào các tế bào não. Các tín hiệu thể hiện hoạt tính hóa học khi các axit amin tương tác với tanycyte, các tế bào não trước đây được cho là có liên quan đến cảm giác thèm ăn và trọng lượng cơ thể. Khi các nhà nghiên cứu ngăn chặn các thụ thể vị giác umami trong tế bào não, tanycyte không nhận được thông tin từ các axit amin.

Ted Pridgeon, nhà nghiên cứu về thần kinh cho biết: "Lượng axit amin trong máu và não sau bữa ăn, là một tín hiệu quan trọng thể hiện cảm giác no bụng. Việc tìm kiếm tanycyte nằm ở trung tâm của vùng não kiểm soát trọng lượng cơ thể, trực tiếp cảm nhận các axit amin có ý nghĩa rất quan trọng để xác định những phương thức mới giúp mọi người kiểm soát cân nặng trong giới hạn cho phép".

Nghiên cứu cho thấy những người ăn kiêng tốt nhất nên ăn nhiều thực phẩm giàu arginine, lysine và các axit amin khác để tạo cảm giác no bụng. Các kết quả nghiên cứu cũng có thể truyền cảm hứng để bào chế các loại thuốc mới loại bỏ cảm giác thèm ăn ở những bệnh nhân có xu hướng ăn quá nhiều.

N.P.D-NASATI (Theo Upi)