Vitamin B có thể bảo vệ chống ô nhiễm không khí

(Dân trí) - Theo một thử nghiệm trên người ở quy mô nhỏ, vitamin B phần nào có khả năng bảo vệ chống lại các tác động của ô nhiễm không khí.

Các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng vitamin B liều cao có thể "hoàn toàn bù đắp" thiệt hại do chất hạt rất mịn gây ra. Tác dụng này là thực tế, nhưng nghiên cứu vẫn còn có những hạn chế. Vì vậy, cần thực hiện thêm các nghiên cứu tiếp theo trong những thành phố bị ô nhiễm nặng như Bắc Kinh hay Mêxico.


Vitamin B có thể bảo vệ chống ô nhiễm không khí

Vitamin B có thể bảo vệ chống ô nhiễm không khí

Mặc dù tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe đã thu hút được sự quan tâm của người dân trên toàn thế giới, nhưng các cơ chế cụ thể trên thực tế về cách không khí bẩn làm cho mọi người bị ốm, vẫn chưa được hiểu rõ.

Một trong những chất ô nhiễm được xem là nguy hiểm nhất là chất hạt rất mịn được gọi là PM 2,5, có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet. Các hạt phức tạp này được phát thải từ ô tô diesel, bếp lò đốt củi và là sản phẩm phụ của phản ứng hóa học giữa các khí gây ô nhiễm khác. Các mảnh PM 2,5 có kích thước bằng khoảng 1/30 chiều rộng sợi tóc, có thể đi sâu vào trong phổi và gây ra các bệnh về phổi và tim mạch ở cả người trẻ và người già.

Từ lâu, các nhà khoa học đã nghi ngờ PM 2,5 gây ra những thay đổi biểu sinh trong tế bào làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người. Các gene trong ADN của chúng ta chứa những hướng dẫn cho sự sống, nhưng di truyền học biểu sinh điều khiển cách sử dụng các hướng dẫn đó, giống như mối quan hệ giữa một ca khúc mp3 và nút điều khiển âm lượng, bạn chỉ có thể nghe thấy những nốt nhạc (gene) khi bạn vặn nút âm lượng (thay đổi biểu sinh).

Nghiên cứu cho thấy sự hiện diện của các yếu tố môi trường như ô nhiễm không khí dường như làm biến đổi gene trong hệ miễn dịch ở cấp độ biểu sinh - kích hoạt hoặc bất hoạt chúng và ức chế hàng phòng thủ của chúng ta. Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy các chất dinh dưỡng bằng cách nào đó có thể ngăn chặn quá trình này trong các nghiên cứu trên động vật với Bisphenol hóa học A.

Giờ đây, trong thử nghiệm mới trên người, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã xem xét liệu việc tiếp xúc với PM 2,5 có thể được giảm nhẹ bằng cách bổ sung hàng ngày vitamin B chứa 2,5 mg axit folic, 50 mg vitamin B6 và 1mg vitamin B12 hay không.

Trong thử nghiệm, ban đầu, 10 tình nguyện viên được cho tiếp xúc với không khí sạch trong khi đó cũng được cung cấp giả dược để đo lường phản ứng cơ bản của họ. Sau đó, các tình nguyện viên này đã được sử dụng liều lượng vitamin B cao trong khi tiếp xúc với không khí có nồng độ PM 2,5 cao. Kết quả cho thấy việc bổ sung vitamin B trong 4 tuần đã hạn chế ảnh hưởng của PM 2,5 ở mức từ 28 - 76% tại 10 vị trí gene. Tương tự tác động giảm ở ADN ty thể, các bộ phận của tế bào sinh ra năng lượng. Tuy nhiên, các tác giả cũng cảnh báo nghiên cứu của họ, dù đã quan sát ảnh hưởng thực tế, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoài số lượng người tham gia không nhiều, thì còn có ít thông tin về phạm vi liều lượng vitamin B gây ra phản ứng.

Jia Zhong, đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: "Chúng tôi không có liều lượng vitamin B khác nhau và liều lượng được sử dụng khá cao, hơn cả mức một bà bầu được khuyến nghị dùng trong thai kỳ. Nhưng, chúng tôi đã quan sát thấy tác dụng bảo vệ của vitaminh B liều cao". Các nhà khoa học khác trong lĩnh vực này cũng cho rằng sự thận trọng là cần thiết.

Nhóm nghiên cứu thừa nhận đây là một nghiên cứu thí điểm để thử nghiệm giả thuyết và vẫn chưa đưa ra bất cứ suy luận nào về việc liệu vitamin B có thể được sử dụng trong thực hành lâm sàng như một phương tiện bảo vệ chống ô nhiễm không khí. Cần thực hiện nhiều nghiên cứu quy mô lớn hơn trong những môi trường mà mọi người phải tiếp xúc nhiều với PM 2,5 như Bắc Kinh hay Ấn Độ hoặc Mexico để xem liệu những người đã tiếp xúc kinh niên với ô nhiễm không khí thì tác dụng bảo vệ của vitamin B còn hiệu quả hay không

N.P.D-NASATI (Theo BBC)