Ứng dụng hạt nhân để đánh giá nguồn nước và truy xuất nguồn gốc chất ô nhiễm

(Dân trí) - Sáng 4/4, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã khánh thành Trung tâm Hợp tác IAEA-VINATOM về nước và môi trường. Đây là trung tâm đầu tiên tại Việt Nam và là trung tâm thứ ba IAEA hợp tác thành lập tại khu vực châu Á.

Tham dự buổi cắt băng khánh thành này có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, bà Najat Mokhtar,  Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA),  Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)…

Ứng dụng hạt nhân để đánh giá nguồn nước và truy xuất nguồn gốc chất ô nhiễm - 1

Khánh thành Trung tâm Hợp tác IAEA-VINATOM về nước và môi trường.

Ứng dụng hạt nhân để đánh giá nguồn nước và truy xuất nguồn gốc chất ô nhiễm - 2

Tại buổi cắt băng khánh thành, bà Najat Mokhtar,  Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, trung tâm Hợp tác IAEA-VINATOM về nước và môi trường là Trung tâm Hợp tác giữa hai cơ quan về ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân và đồng vị trong nghiên cứu nước và môi trường ở Việt Nam. IAEA nhận thấy Việt Nam là một quốc gia nhiệt đới gió mùa ven biển, chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và là quốc gia đang phát triển với nhiều vấn đề về môi trường. Rất nhiều kỹ thuật về hạt nhân và đồng vị tại IAEA (IAEA là tổ chức quốc tế hàng đầu về kinh nghiệm về ứng dụng các kỹ thuật này) có thể được ứng dụng tại Việt Nam để đánh giá nguồn nước, truy xuất nguồn gốc chất ô nhiễm, hay xử lý môi trường.

Trung tâm Hợp tác IAEA-VINATOM sẽ là đầu mối trao đổi khoa học, hợp tác nghiên cứu, và nâng cao năng lực (con người và thiết bị cơ sở vật chất) giữa Viện NLNTVN và IAEA. Các hình thức hoạt động của Trung tâm là đồng tổ chức nghiên cứu, đồng tổ chức lớp học, hội nghị, hội thảo, đồng tài trợ cho các hoạt động  xúc tiến ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân và đồng vị trong nghiên cứu nước và môi trường tại Việt Nam và cho cả khu vực Đông Nam Á.

TS Trần Chí Thành, Viện trưởng VINATOM cho biết thêm, trong năm 2019, Trung tâm Hợp tác IAEA-VINATOM sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực thông qua các chương trình hợp tác đào tạo và đồng tài trợ với IAEA (nâng cấp, sửa chữa, và bổ sung trang thiết bị nghiên cứu hiện đại, hiện chưa phổ biến ở Việt Nam trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc). Cần phải nhấn mạnh rằng vấn đề truy xuất nguồn gốc trong thương mại, lương thực-thực phẩm hiện nay là thách thức lớn ở Việt Nam và trên thế giới. Việc phát triển các kỹ thuật hạt nhân và đồng vị trong nghiên cứu nước và môi trường cũng sẽ dễ dàng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nữa liên quan đến truy xuất nguồn gốc.

Cụ thể: Tháng 5/2019 xét duyệt các chương trình hợp đồng nghiên cứu hợp tác (CRP). Tháng 6/2019 tổ chức lớp học nghiên cứu về thủy văn đồng vị tại VINATOM có chuyên gia của IAEA sang giảng dạy. Tháng 7/2019 ra quyết định phê duyệt hợp tác kỹ thuật giai đoạn 2020-2021 (TC 20-21). Tháng 8/2019 đồng tài trợ Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 13 (VINANST-13).

Được biết, từ ngày 3-7/4/2019,  bà Najat Mokhtar,  Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kéo dài 4 ngày trên cương vị mới của bà Najat Mokhtar. Bà Najat Mokhtar nhậm chức Phó Tổng Giám đốc IAEA từ tháng 1 năm 2019. Chuyến thăm Việt Nam lần này của bà Najat Mokhtar thể hiện sự quan tâm đặc biệt của bà trên cương vị Phó Tổng Giám đốc nói riêng và của IAEA nói chung đến quan hệ hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là về đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử và kỹ thuật hạt nhân, đồng vị trong phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam.

Như chúng ta đã biết Việt Nam là một quốc gia luôn có chủ trương nghiên cứu, phát triển, ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình, không sở hữu và phát triển vũ khí hạt nhân. Sự kiện tân Phó Tổng Giám đốc IAEA sang thăm Việt Nam trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên cũng chứng tỏ sự thành công lớn về mặt ngoại giao của Việt Nam với mục đích  trao đổi khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử giữa Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam - VINATOM nói riêng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nói chung với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Trong chuyến thăm này ngoài việc tham dự cắt băng khánh thành Trung tâm Hợp tác IAEA-VINATOM, bà Najat Mokhtar còn đến thăm và làm việc với Bộ KH&CN - Là đối tác/đầu mối của IAEA tại Việt Nam. Rất nhiều chương trình quan trắc, cảnh báo, nghiên cứu của IAEA phối hợp với các nước thành viên đều có hàm lượng khoa học cao, cần các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, có chuyên môn sâu. Chuyến thăm và làm việc của bà Phó Tổng Giám đốc lần này có mục đích quan trọng là tăng cường hợp tác trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân và đồng vị.

Đến thăm và làm việc với Bộ Y tế và các bệnh viện, viện nghiên cứu trực thuộc: Bệnh viện K, Viện Dinh dưỡng Quốc gia với mục đích chung là thúc đẩy ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân và đồng vị trong y tế và sức khỏe cộng đồng – Mục tiêu phát triển bền vững. Tại Bộ Y tế, bà Najat Mokhtar sẽ làm việc với Lãnh đạo Bộ Y tế về việc ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân trong y học và các chương trình hợp tác với IAEA trong lĩnh vực y tế.

Đặc biệt, bà Najat Mokhtar sẽ đến làm việc tại bệnh viện Ung biếu Trung ương, nơi đã và đang ứng dụng rất nhiều kỹ thuật hạt nhân và phóng xạ trong chuẩn đoán (soi chiếu hình ảnh) và điều trị (xạ trị). Bên cạnh đó, bà Najat Mokhtar cũng sẽ làm việc với Viện Dinh dưỡng Quốc gia để thúc đẩy ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân đồng vị, những kỹ thuật rất mới, gần như chưa phát triển tại Việt Nam trong nghiên cứu chế độ dinh dưỡng và bảo đảm sức khỏe cộng đồng cho người dân.

Chúng ta biết rằng, nhiều kỹ thuật hạt nhân và đồng vị không hề liên quan đến phóng xạ và có ưu thế/tính năng đặc biệt trong nghiên cứu truy xuất nguồn gốc. Các kỹ thuật này không hề gây ảnh hưởng đến sức khỏe (không liên quan đến việc phát năng lượng hạt nhân, hay bức xạ năng lượng cao) mà lại cho kết quả rất chính xác, không gây bất cứ hiệu ứng phụ nào.

Nguyễn Hùng