Ứng dụng công nghệ sinh học để “mang” vườn cúc họa mi từ Hà Nội về Đà Nẵng

(Dân trí) - Cúc họa mi vốn dĩ chỉ được trồng ở Hà Nội vừa được Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng trồng thử nghiệm thành công trên địa bàn thành phố.

Ứng dụng công nghệ sinh học để “mang” vườn cúc họa mi từ Hà Nội về Đà Nẵng

Nhiều ngày qua, người dân TP Đà Nẵng đã đổ xô đến vườn cúc họa mi tại Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng) tại quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng để tham quan.

Đây là vườn hoa được trồng thử nghiệm bởi Trung tâm Công nghệ sinh học TP Đà Nẵng và người lên ý tưởng này là bà Vũ Thị Bích Hậu – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng.

Ứng dụng công nghệ sinh học để “mang” vườn cúc họa mi từ Hà Nội về Đà Nẵng - 1

Cúc họa mi được Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng trồng thử nghiệm trên địa bàn

Bà Hậu cho biết bà vốn sinh sống tại Hà Nội nên rất thích những nét đẹp của các loại hoa tại Hà Nội trong đó có loài hoa cúc họa mi.

Cuối năm 2018 và đầu 2019, bà đã yêu cầu Trung tâm Công nghệ sinh học triển khai thử nghiệm mô hình trồng cúc họa mi để “mang một chút nét đẹp tinh khôi của Hà Nội vào giữa lòng TP Đà Nẵng”.

Ứng dụng công nghệ sinh học để “mang” vườn cúc họa mi từ Hà Nội về Đà Nẵng - 2

Và được đánh giá là thành công 

Theo bà Hậu, cúc loại hoa này vốn dĩ chỉ trồng ở đất Hà Nội. Tuy nhiên, với nhiệm vụ được giao về nghiên cứu và thử nghiệm các giống mới trong năm 2019, Trung tâm Công nghệ sinh học đã nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm cúc họa mi tại Trung tâm với quy mô 10.000 cây .

“Cúc họa mi thích nghi với nhiệt độ từ 25 – 27 độ C, tuy nhiên ở Đà Nẵng nhiệt độ thường cao hơn và khắc nghiệt hơn so với thủ đô. Anh em trong nhóm thử nghiệm đã học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi trồng loài hoa này để đưa về Đà Nẵng áp dụng và mong muốn có một kết quả tốt nhất” – bà Hậu nói.

Ứng dụng công nghệ sinh học để “mang” vườn cúc họa mi từ Hà Nội về Đà Nẵng - 3

Vườn cúc họa mi thu hút nhiều người đến tham quan

Vốn là tiến sĩ sinh học, bà Hậu biết được không phải loài cây nào cũng có thể mang từ nơi khác về Đà Nẵng thích ứng và phát triển tốt nên buộc phải áp dụng kỹ thuật trồng trọt cùng với công nghệ sinh học.

“Mô hình thử nghiệm vườn cúc họa mi của Trung tâm Công nghệ sinh học TP Đà Nẵng đã thành công với những khóm hoa nở rộ, tươi tắn không khác hoa được trồng ở TP Hà Nội.

Sau khi trồng thử nghiệm thành công, Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng sẽ chuyển giao công nghệ trồng cúc họa mi cho người dân.

Bí quyết của sự thành công tại vườn cúc họa mi lần này theo bà Hậu đó chính là quy trình kỹ thuật. “Ngoài giống thì phải kể đến quy trình kỹ thuật, nếu ta không tuân thủ đúng quy trình thì sự thành công rất khó đối với cây trồng được đưa từ nơi khác về. Nếu không có cải tiến về quy trình kỹ thuật thì rất khó thành công” – bà Hậu nói.

Ứng dụng công nghệ sinh học để “mang” vườn cúc họa mi từ Hà Nội về Đà Nẵng - 4

Sau khi trồng thử nghiệm thành công, Trung tâm Công nghệ sinh Đà Nẵng sẽ chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trồng cúc họa mi cho người dân

Bà Hậu cho rằng bí quyết về công nghệ khi trồng loại hoa này chắc chắn là có, trong đó chủ yếu là làm sao giảm độ nóng cho cây cúc đồng thời tạo điều kiện tốt nhất trong điều kiện khó khăn về thời tiết ở Đà Nẵng.

“Bí quyết này chúng tôi sẽ chia sẻ sau trong một dịp khác và chắc chắn sẽ chuyển giao công nghệ này đến với người dân. Chúng tôi sẽ hoàn thiện công nghệ để sau này Đà Nẵng có nhiều góc họa mi Hà Nội đẹp trong lòng thành phố” – bà Hậu chia sẻ.

Khánh Hồng