Tượng nhân sư nổi tiếng ở Ai Cập có thể ban đầu có gương mặt… sư tử

(Dân trí) - Tượng nhân sư vĩ đại của Ai Cập được một nhóm các nhà nghiên cứu cho rằng ban đầu có thể có khuôn mặt của một con sư tử và được xây dựng từ trước đó rất lâu.

Các nhà Ai Cập học từ lâu đã tranh luận về tượng nhân sư bí ẩn của Ai Cập với phần đầu của một pharaoh và cơ thể của một con sư tử, được cho đã xây dựng ngay sau kim tự tháp đầu tiên hoàn thành, khoảng 4.500 năm trước.

Tượng nhân sư nổi tiếng ở Ai Cập có thể ban đầu có gương mặt… sư tử - 1
Tượng nhân sư nổi tiếng ở Ai Cập mới đây được một nhóm các nhà nghiên cứu cho rằng có bộ mặt sư tử ban đầu.

Tuy nhiên, nhà địa chất học người Anh Colin Reader - người có hứng thú với Ai Cập cổ đại và cũng là thư ký của Hiệp hội Ai Cập cổ đại đã phát hiện ra rằng sự xói mòn do mưa trên vỏ bọc của tượng nhân sư cho thấy nó đã được xây dựng từ nhiều năm trước.

Các chuyên gia về hiệu ứng hình ảnh cũng đã sử dụng dữ liệu nghiên cứu để tạo lại tượng nhân sư. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cơ thể và đầu của tượng nhân sư không cân xứng, cho thấy ban đầu nó không phải là một pharaoh.

Kiến trúc sư, tiến sĩ Jonathan Foyle, cho biết đó là sự thật khi phần đầu và phần thân tượng nhân sư khá mất cân đối.

Lý do cho điều này được các nhà nghiên cứu giải thích có thể là vì tượng nhân sư ban đầu có một cái đầu hoàn toàn khác, đó là một con sư tử.

Đối với người Ai Cập thời kỳ đầu, sư tử là một biểu tượng quyền lực mạnh mẽ hơn nhiều so với khuôn mặt của con người.

Bên cạnh đó, tượng đài đã có cơ thể của một con sư tử, điều đó có ý nghĩa với các chuyên gia rằng ban đầu nó cũng có khuôn mặt của một con sư tử. Trong lịch sử ban đầu của Ai Cập, sư tử sinh sống ở vùng hoang dã Giza và các khu vực lân cận.

Nhà địa chất học Robert Schoch đã lập luận rằng, sự phong hóa đặc biệt được tìm thấy trên cơ thể của tượng nhân sư.

Ông Schoch tuyên bố lượng xói mòn nước mà tượng nhân sư đã trải qua cho thấy ngày xây dựng không muộn hơn thiên niên kỷ thứ VI trước Công nguyên hoặc thiên niên kỷ thứ V trước Công nguyên.

Hiện tại, lý thuyết này vẫn đang gây ra sự tranh cãi rất lớn với các nhà Ai Cập chính thống.

Khôi Nguyên (Theo Express)