Trung Quốc sắp dùng “mặt trăng nhân tạo” chiếu sáng thay cho… đèn đường

(Dân trí) - Trong một thông tin mới nhất, Trung Quốc cho biết quốc gia này sẽ sớm phóng vào quỹ đạo Trái Đất một “mặt trăng nhân tạo” chiếu sáng thay thế cho các loại đèn đường truyền thống vào năm 2020.

Trung Quốc thực tế chỉ cần hai năm để phóng một vệ tinh có tính năng chiếu sáng vào không gian, ông Wu Chunfeng, người đứng đầu Viện nghiên cứu hệ thống vi điện tử và công nghệ vũ trụ thành Đô cho biết.

“Mặt trăng nhân tạo” Trung Quốc đang phát triển được thiết kế để chiếu sáng một vùng diện tích lên đến 80km và sẽ mượn thêm ánh sáng của mặt trăng vào ban đêm với phạm vi chiếu sáng chính xác được kiểm soát trong vòng vài chục mét.

Năm 2020, Trung Quốc dự kiến sẽ dùng “mặt trăng nhân tạo” để chiếu sáng thay cho đèn đường ở một số khu vực.
Năm 2020, Trung Quốc dự kiến sẽ dùng “mặt trăng nhân tạo” để chiếu sáng thay cho đèn đường ở một số khu vực.

Trong thiết kế, dự án “mặt trăng nhân tạo” này sẽ tập trung thử nghiệm vào khu vực thành phố Thành Đô, phía Tây nam Trung Quốc.

Trước đó, ý tưởng này là của một nghệ sĩ người Pháp, người đã liên tưởng đến việc đặt một hàng gương lớn trên Trái Đất để phản chiếu ánh sáng mặt trời trên đường phố Paris quanh năm.

Tuy nhiên, kế hoạch này của Trung Quốc cũng vấp phải không ít ý kiến phản biện cho rằng với “mặt trăng nhân tạo” sẽ ảnh hưởng không nhỏ và làm rối loạn nhịp sinh học trong tự nhiên và quan sát thiên văn.

Trước đó, năm 2003, Trung Quốc đã thực hiện thành công sứ mệnh bay vào không gian có người lái đầu tiên. Sứ mệnh này kéo dài 21 giờ do phi hành gia Yang Liwei thực hiện, đi vòng quanh trái đất. Kể từ đó, Trung Quốc đã có những tiến bộ đáng kinh ngạc với các chương trình không gian.

Từ năm 2000 đến tháng 11 năm 2012, Trung Quốc đã phóng thành công 111 tên lửa và hàng trăm vệ tinh vào vũ trụ.

Khôi Nguyên (Theo Express)