Trung Quốc có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân nhỏ nhất thế giới

(Dân trí) - Viện Công nghệ an toàn năng lượng hạt nhân thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân nhỏ nhất thế giới, phù hợp với không gian bên trong một container vận chuyển dài khoảng 6,1m và cao 2,6m. Nhóm nghiên hy vọng sẽ lắp đặt lò phản ứng mới trên một hòn đảo ở Biển Đông trong vòng 5 năm tới.


Mô hình nhà máy điện hạt nhân

Mô hình nhà máy điện hạt nhân

Dù lò phản ứng điện hạt nhân mới được làm mát bằng chì có kích thước nhỏ gọn, nhưng lại có khả năng sản sinh 10 MW nhiệt. Nếu lượng nhiệt năng đó được chuyển đổi thành điện, sẽ đủ để cung cấp cho khoảng 50.000 hộ gia đình. Hơn nữa, lò phản ứng điện hạt nhân này có thể hoạt động trong nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ mà không cần cấp nhiên liệu vì theo các nhà khoa học, lò không tạo ra bụi hoặc khói. Thậm chí trên một hòn đảo, người dân sẽ khó nhận thấy sự hiện diện của của lò do kích thước nhỏ gọn của nó.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc thừa nhận công nghệ lò phản ứng hạt nhân mới tương tự như một lò phản ứng nhiệt nhỏ gọn được làm mát bằng chì đã được Hải quân Liên Xô cũ sử dụng trong tàu ngầm hạt nhân vào thập niên 70. Tuy nhiên, Trung Quốc có lẽ là quốc gia đầu tiên áp dụng công nghệ quân sự này trên cạn.

Dù các lò phản ứng hạt nhân nhỏ có thể sản xuất khối lượng lớn điện năng và khử mặn nước biển thành nước ngọt, nhưng cũng thể hiện các mối lo ngại môi trường nghiêm trọng. Nếu bất cứ lò phản ứng nào gặp sự cố, chất thải phóng xạ sẽ ảnh hưởng không chỉ đến các nước lân cận, mà còn lan rộng toàn thế giới qua các dòng hải lưu mạnh.

Loại lò phản ứng trong nghiên cứu thường được gọi là lò phản ứng nhanh vì lò sử dụng các neutron tốc độ cao để tách các nguyên tử nhiên liệu. Lò phản ứng nhanh có một số ưu điểm vượt trội hơn so với các lò phản ứng thường. Các neutron nhanh có thể tách các nguyên tử của gần như tất cả các vật liệu phân hạch gồm chất thải của các nhà máy điện hạt nhân truyền thống, qua đó, làm tăng đáng kể hiệu suất của nhiên liệu.

Ngoài ra, kim loại lỏng từ chì mà lò phản ứng sử dụng như hệ thống làm mát chỉ sôi ở nhiệt độ 1.400 độ C, nên lò phản ứng an toàn hơn so với các lò phản ứng nhiệt thương mại hiện nay.

Tuy nhiên, GS. Huang Qunying, đồng tác giả nghiên cứu cho rằng việc thuyết phục mọi người về công nghệ này an toàn để áp dụng vẫn là thách thức. Thiếu nhận thức của cộng đồng về công nghệ mới có thể cản trở việc áp dụng rộng rãi công nghệ.

Lò phản ứng được làm mát bằng chì là một phần nỗ lực của Trung Quốc để phát triển các lò phản ứng thế hệ mới cho ngành năng lượng hạt nhân đang phát triển nhanh. Các phương pháp tiếp cận công nghệ khác như lò phản ứng muối nóng chảy và lò phản ứng làm mát bằng khí ở nhiệt độ cao, cũng đang được phát triển nhanh nhờ có khoản tài trợ lớn từ Chính phủ.

Trung Quốc cũng đã cân nhắc về việc xây dựng các nhà máy điện nổi quy mô nhỏ áp dụng công nghệ thông thường để sản xuất điện cho các đảo trên Biển Đông.

Một nhà nghiên cứu môi trường biển tại Đại học Hải dương Trung Quốc ở tỉnh Sơn Đông, đã cảnh báo rằng việc xả nước thải phóng xạ nóng từ nhà máy điện hạt nhân xuống đại dương là không thể tránh khỏi, có thể làm thay đổi hệ sinh thải của toàn bộ khu vực xung quanh đảo.

Các nhà nghiên cứu cho rằng trước khi đặt bất cứ lò phản ứng hạt nhân nào trên một hòn đảo xa ở Biển Đông, Chỉnh phủ Trung Quốc nên cân nhắc không chỉ những lợi ích chính trị, quân sự hay kinh tế, mà còn phải thực hiện các đánh giá khoa học về tác động môi trường tiềm năng.

N.P.D-NASATI (Theo CNBC)