Trên sao Hỏa từng xuất hiện các trận sóng thần

(Dân trí) - Các bằng chứng hướng về một trận sóng thần cổ đại trên sao Hỏa đã làm biến đổi hành tinh trẻ này một cách đầy thảm khốc gần 3 tỷ năm trước. Điều này củng cố thêm niềm tin vào giả thuyết rằng sao Hỏa đã từng là một thế giới đầy nước.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí về địa vật lý Journal of Geophysical Research, nhóm nghiên cứu quốc tế đã công bố chi tiết phát hiện của mình về thứ họ tin rằng là một cơn sóng thần tác động lên miệng núi lửa. Những người ủng hộ giả thuyết Sao Hỏa Ướt này đã tìm kiếm một miệng núi lửa như vậy trong nhiều năm mà không thành công.

Trên sao Hỏa từng xuất hiện các trận sóng thần - 1

Tiến sĩ Francois Costard - giáo sư về khoa học địa vật lý tại Đại học Paris – Sud , kiêm trưởng nhóm nghiên cứu – cho biết nhóm nghiên cứu đã “phát hiện ra các trầm tích sóng thần điển hình dọc theo dải phân cách giữa hai bán cầu bắc và nam của sao Hỏa. Nó cho thấy, vào thời điểm đó có một đại dương ở phía bắc”.

Một loạt các gợn nhấp nhô hình sóng đã được phát hiện trên bề mặt sao Hỏa, trước đây người ta cho rằng chỗ đó là một lạch bùn hoặc sông băng. Tuy nhiên, đó cũng thể là do một cơn sóng thần gây ra – và một miệng núi lửa gần đó đã khẳng định thêm cho giả thuyết này.

Khi một tiểu hành tinh đủ lớn lao vào nước, nó có thể tạo ra 2 cơn sóng thần: một là do sự dịch chuyển của nước khi tiểu hành tinh đó chạm vào bề mặt đại dương, và một cơn sóng thần khác tạo ra khi tiểu hành tinh đó đâm vào đáy đại dương.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, các hình dạng vỉa dài 150km và hình dấu vân tay của miệng núi lửa Lomonosov– được đặt tên theo nhà hình học Milkhail Lomonosov của Nga hồi thế kỷ 18 – lần lượt là bằng chứng của các trận sóng thần thứ nhất và thứ hai này. Mô hình số học cũng chứng minh cho các phát hiện này của nhóm nghiên cứu. Họ cũng cho rằng không có lời giải thích khả thi nào cho các gợn hình sóng của bằng chứng mới này.

Giả thuyết Sao Hỏa Ướt cho rằng ở thời điểm khoảng 3,8 tỷ năm trước, gần ½ thế giới màu gỉ sắt này được bao phủ bởi đại dương. Dần dần, nước bốc hơi và thoát ra khỏi bầu khí quyển mỏng manh của sao Hỏa, làm cho hành tinh này trở thành trạng thái khô ráo như hiện nay.

“Việc thăm dò sao Hỏa khiến cho khả năng có một đại dương lớn đã từng xuất hiện ở vùng đồng bằng phía Bắc sao Hỏa là một trong những giả thuyết quan trọng và gây tranh cãi nhiều nhất”. Nhóm nghiên cứu đã “lập bản đồ trầm tích phân thùy – thứ có khả năng là trầm tích của sóng thần và liên quan tới sự tồn tại của đại dương trước kia”. Từ mô hình số học, họ đã xác định rằng khả năng lớn nhất về nguồn gốc của miệng núi lửa này là cơn sóng thần.

Anh Thư (Theo Sputnik)