Trạng thái căng thẳng đầu óc sẽ có ảnh hưởng gì đến tim?

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết, căng thẳng có thể đóng vai trò là một nhân tố mang lại nhiều nguy cơ về bệnh tim mạch, cũng giống như hút thuốc và huyết áp cao.

Giữa tâm trí và cơ thể có nhiều gắn kết chứ không phải chỉ là một khẩu hiệu. Một nghiên cứu phát hiện rằng khi gia tăng mức độ căng thẳng thì thực sự sẽ mang lại nhiều nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ hơn.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng, nếu những người tham gia vào nghiên cứu này có nhiều hoạt động ở hạch hạnh nhân hơn (đây là một khu vực của não bộ điều khiển các phản ứng của cơ thể đối với trạng thái căng thẳng và sợ hãi), thì dường như họ sẽ có nhiều khả năng bị đau tim hoặc đột quỵ hơn so với những người ít có hoạt động ở hạch hạnh nhân.


Hạch hạnh nhân là một trong những bộ phận nguyên thủy nhất của bộ não. Hạch hạnh nhân là nhóm các tế bào có hình hạnh nhân nằm sâu trong vùng giữa của thùy thái dương (với mỗi hạch nằm ở một bên)

Hạch hạnh nhân là một trong những bộ phận nguyên thủy nhất của bộ não. Hạch hạnh nhân là nhóm các tế bào có hình hạnh nhân nằm sâu trong vùng giữa của thùy thái dương (với mỗi hạch nằm ở một bên)

Trưởng nhóm nghiên cứu này - Tiến sĩ Ahmed Tawakol, là một giáo sư ngành dược tại Đại học dược Harvard, và cũng là một bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Massachusetts ở Boston (Mỹ) - cho biết: “nghiên cứu này đã xác định rằng, lần đầu tiên trong các mô hình của động vật hoặc con người, một khu vực của não bộ kết nối giữa trạng thái căng thẳng với nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ”.

Ngoài ra, theo nghiên cứu được công bố vào ngày 11/1 trên tạp chí The Lancet này, các nhà nghiên cứu cũng đã liên hệ sự gia tăng hoạt động của hạch hạnh nhân với một số quy trình có vai trò nào đó trong sự phát triển các bệnh tim mạch.

Bác sĩ Tawakol cho rằng “trong khi mối liên hệ giữa trạng thái căng thẳng và bệnh tim đã được thiết lập từ lâu, thì chúng ta vẫn chưa hiểu rõ về cơ chế trung gian của nguy cơ này”

Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã theo dõi hai nhóm bệnh nhân: nhóm đầu tiên là gần 300 người trưởng thành có độ tuổi từ 30 trở lên. Khi bắt đầu nghiên cứu, không ai trong số họ có bệnh tim. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành chụp quét não trên các bệnh nhân bằng một kỹ thuật không chỉ đo được mức độ hoạt động của não, mà còn cho phép thấy được mức độ viêm của mạch máu và tủy xương ở hoạt động trên khắp cơ thể.

Trong khoảng thời gian theo dõi trung bình là 3,7 năm, 22 người đã gặp phải các sự kiện y tế có liên quan đến bệnh tim, chẳng hạn như đau tim, đột quỵ hoặc có chẩn đoán suy tim. Các nhà nghiên cứu thấy rằng, sự gia tăng hoạt động ở hạch hạnh nhân trong não bộ khi mới bắt đầu nghiên cứu có liên quan tới sự gia tăng đáng kể nguy cơ mắc phải các vấn đề về tim mạch sau này. Và khi mới bắt đầu nghiên cứu, hạch hạnh nhân có mức độ hoạt động càng cao thì những vấn đề này cũng xảy ra càng sớm.

Ngoài ra, hoạt động cao ở hạch hạnh nhân cũng có liên quan tới số lượng chỗ bị viêm trong mạch máu và mức độ hoạt động cao hơn trong các phần của tủy xương nơi hình thành tế bào máu mới.

Cả hai tình trạng viêm trong mạch máu và gia tăng hoạt động của tủy xương đều có thể góp phần tạo ra một tình trạng gọi là xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Trong các nghiên cứu trên động vật, các nhà nghiên cứu thấy rằng, sự căng thẳng làm kích hoạt tủy xương hoạt động, khiến nó sản xuất xuất tế bào bạch huyết và dẫn đến viêm nhiễm. Tiến sĩ Tawakol cho rằng “nghiên cứu này cho thấy một đường dẫn tương tự tồn tại trong cơ thể con người”

Nhóm thứ hai là một nhóm nhỏ hơn – chỉ gồm 13 người bị rối loạn căng thẳng mãn tính, chẳng hạn như rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Những bệnh nhân này được yêu cầu điền vào một bảng câu hỏi về mức độ căng thẳng mà họ nhận thấy, cũng như trải qua quá trình quét não để đo lường mức độ hoạt động trong hạch hạnh nhân. Các nhà nghiên cứu cũng đo mức độ viêm mạch máu của bệnh nhân.

Họ nhận thấy rằng, mức độ căng thẳng của bệnh nhân có liên quan tới sự gia tăng hoạt động ở hạch hạnh nhân cũng như gia tăng mức độ viêm ở mạch máu.

Zahi Fayad - tác giả chính của nghiên cứu này, kiêm giám đốc viện Nghiên cứu Hình ảnh phân tử và tịnh tiến tại trường Dược Icahn ở thành phố New York – cho biết, nghiên cứu mới này đã “cung cấp thêm các bằng chứng về sự kết nối giữa trái tim và bộ não” thông qua việc làm sáng tỏ một liên kết giữa hoạt động của hạch hạnh nhân – dấu hiệu của sự căng thẳng – và các vấn đề về tim mạch sau này. Sự liên kết giữa hoạt động của hạch hạnh nhân và nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ vẫn xảy ra ngay cả khi các nhà nghiên cứu đã kiểm soát các yếu tố có nguy cơ đối với bệnh tim.

Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để xem xét về tác động của việc giảm căng thẳng tới nguy cơ bệnh tim, tiến sĩ Tawakol vẫn lưu ý rằng “phát hiện này cho thấy nhiều cơ hội tiềm năng để giảm nguy cơ gặp phải các bệnh tim mạch do căng thẳng”.

Ví dụ như, “sẽ rất hợp lý nếu khuyên bệnh nhân đang có nguy cơ mắc bệnh tim mạch rằng hãy thử các biện pháp để giảm căng thẳng nếu họ thấy căng thẳng quá mức”.

Ngoài ra, các nhà sản xuất dược phẩm cũng có thể nhắm đến mục tiêu là một số cơ chế đã được nhấn mạnh trong nghiên cứu này để phát triển các loại thuốc điều trị bệnh tim mới.

Anh Thư (Tổng hợp)