Trái Đất bị đập vỡ liên tục bởi một hành tinh và một mặt trăng khác

Nghiên cứu quốc tế mới đã tiết lộ quá khứ kinh hoàng của Trái Đất và cũng là nguyên nhân khiến mặt trăng được hình thành.

Thực tế có thể còn khủng khiếp gấp đôi giả thuyết "hành tinh Theia'' đâm vào Trái Đất, sinh ra mặt trăng, theo nghiên cứu mới dẫn đầu bởi Phòng thí nghiệm Mặt trăng và hành tinh thuộc Đại học Arizona (Mỹ).

Trái Đất bị đập vỡ liên tục bởi một hành tinh và một mặt trăng khác - 1

''Tiền Trái Đất" non nớt từng bị đập vỡ kinh hoàng tới 2 lần - Ảnh: Đại học Bern/Đại học Munich

Nghiên cứu khẳng định giả thuyết rằng mặt trăng - vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất - được sinh ra trong một sự kiện va chạm thiên thể đầy bạo lực, là có thật. Nhưng không chỉ vậy.

Theo giáo sư Erik Asphaug, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết các mô hình cho thấy để mặt trăng của chúng ta được sinh ra, nó cần được hình thành từ một vụ va chạm rất chậm. Cấu tạo đồng vị giống nhau gần như tuyệt đối giữa mặt trăng và Trái Đất cũng là điều khá vô lý với một vụ va chạm thông thường.

Trái Đất bị đập vỡ liên tục bởi một hành tinh và một mặt trăng khác - 2

Vụ va chạm giữa ''tiền Trái Đất'' và hành tinh Theia - Ảnh: NASA

Theo Space, các mô phỏng trên máy tính của nhóm khoa học gia này đã khẳng định phải có tới 2 vụ va chạm. Vụ va chạm thứ nhất từ "hành tinh Theia'' có kích thước to bằng Sao Hỏa, đã đập thẳng vào ''tiền Trái Đất" còn non nớt, khiến vật chất từ 2 hành tinh bắt đầu hòa lẫn vào nhau.

Vụ va chạm thứ 2 xảy ra chỉ 100.000 đến 1 triệu năm sau đó, bởi một vật thể to bằng mặt trăng Phobos của Sao Hỏa ngày nay. Tuy nó khá nhỏ, nhưng đủ tạo nên một cú bồi làm vật chất của Trái Đất và Theia trộn đều vào nhau hơn, do đó số vật chất bị giải phóng lên quỹ đạo đồng nhất hơn với vật chất còn lại từ hành tinh ''hỗn hợp'' mới - Trái Đất ngày nay. Vật chất giải phóng lên quỹ đạo đó chính là những thứ sau này bồi tụ thành mặt trăng.

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học The Planetary Science Journal.