Tìm thấy hố va chạm của thiên thạch lao vào Trái Đất 800 nghìn năm trước

(Dân trí) - Các nhà khoa học biết chắc chắn đã có vụ va chạm này nhưng trước đây chưa tìm thấy địa điểm.

Khoảng 790 nghìn năm trước, một thiên thạch đã đâm vào Trái Đất với một lực mạnh đến nỗi diện tích va chạm lên đến 10% diện tích Trái Đất kèm theo nhiều đá đen lấp lánh đủ kích thước.

Tìm thấy hố va chạm của thiên thạch lao vào Trái Đất 800 nghìn năm trước - 1

Được gọi tên là đá thiên thạch, những viên đá óng ánh từ những khối đá trên Trái Đất bị nóng chảy do vụ va chạm gây ra nằm rải rác từ vùng Đông Dương đến miền Đông của Nam Cực và từ Ấn Độ Dương đến bờ Tây của Thái Bình Dương. Hơn 1 thế kỷ qua, các nhà khoa học đã tìm kiếm bằng chứng của vụ va chạm nhưng mãi đến nay họ mới tìm thấy địa điểm đã xảy ra sự kiện đó.

Các phân tích địa hóa và kiến thức về trọng lực ở địa phương đã khẳng định hố va chạm này nằm ở Nam Lào trên cao nguyên Bolaven. Dấu vết của vụ va chạm được che phủ bởi một cánh đồng dung nham núi lửa đã nguội trải rộng đến gần 5.178 km2.

Theo các chuyên gia của Trường đại học Texas, Mỹ, khi thiên thạch này đâm vào Trái Đất, nhiệt độ tăng cao đến mức đá trên Trái Đất ở địa điểm va chạm chảy ra và khi nguội đi thì trở thành đá thiên thạch lấp lánh. Các nhà khoa học có thể dựa vào địa điểm phân bố và mức độ nhiều ít của đá thiên thạch để xác định vị trí của vụ va chạm, thậm chí cả khi hố va chạm đó về sau bị xói mòn hoặc che lấp.

Trong trường hợp này, có rất nhiều đá thiên thạch, vậy hố va chạm nằm ở đâu?

Các nhà nghiên cứu cho rằng lực tác động đã tạo ra một vành đai cao hơn 91 mét. Đá thiên thạch của vụ va chạm này có kích thước lớn nhất và phân bố nhiều nhất ở phía Đông của vùng trung tâm Đông Dương, nhưng vì chúng nằm rải rác nên các tính toán trước đây cho kết quả đường kính hố va chạm vào khoảng 14,5 km đến 299 km, và vẫn chưa biết vị trí chính xác ở đâu mặc dù đã tìm hiểu hàng nhiều chục năm.

Trong nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học đã tìm hiểu một số nơi có khả năng là hố va chạm đã bị xói mòn ở Nam Trung Quốc, Bắc Cambodia và Trung Lào, nhưng đã kết luận hố va chạm không nằm ở những vùng này bởi vì tất cả những dấu vết tưởng như của hố va chạm thì hóa ra lại quá nhiều tuổi và được xác định là đá bị ăn mòn có từ Đại Trung sinh, khoảng 252 triệu 66 triệu năm trước.

Vậy hố va chạm này đã bị chôn vùi chăng? Ở cao nguyên Bolaven của Lào, các nhà khoa học tìm thấy một nơi có các cacnhs đồng dung nham núi lửa và rất có thể chúng ẩn chứa những dấu hiệu của một tác động do thiên thạch cổ gây ra. Ở địa điểm được nghi ngờ là hố va chạm, hầu hết các dòng dung nham cũng có tuổi rất phù hợp, tức là khoảng 51 nghìn đến 780 nghìn năm.

Các tác giả của nghiên cứu đã tìm hiểu bên dưới của lớp dung nham bằng cách đo trọng lực ở hơn 400 điểm. Bản đồ kết quả đo trọng lực cho thấy có một nơi có bất thường về trọng lực, ở đây lớp dưới của lớp bề mặt xốp hơn so với khu vực đá núi lửa xung quanh và có một khu vực hình e-líp như một “hố va chạm thon dài” có độ dày khoảng 91 mét, rộng khoảng 12,8 km và dài khoảng 17,7 km.

Tất cả những bằng chứng trên cho thấy đống đá núi lửa này đã vùi lấp địa điểm của vụ va chạm. Các phát hiện của nghiên cứu này được công bố ngày 30/12/2019 trên tạp chí Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, Mỹ.

Phạm Hường 

Theo NBCnews