Tìm thấy chân thằn lằn tí hon trong hổ phách 20 triệu năm tuổi

(Dân trí) - Trong hàng triệu năm, bàn chân trái nhỏ xíu của một con thằn lằn cổ đại đã được bảo quản trong hổ phách cực hiếm cho đến gần đây mới được phát hiện.

Tìm thấy chân thằn lằn tí hon trong hổ phách 20 triệu năm tuổi - 1
Chân thằn lằn cổ đại bị kẹt trong hổ phách mới được phát hiện.

Với kích thước chỉ 2cm khối, bàn chân tí hon thuộc về một loài bò sát thuộc chi Anolis, tổ tiên của thằn lằn anole hiện đại.

Một nhóm các nhà nghiên cứu hợp tác đang phân tích hổ phách có chứa chân thằn lằn tí hon ở Cộng hòa Dominican như cơ sở để hiểu những gì xảy ra với một sinh vật trong suốt quá trình hóa thạch.

Mặc dù bàn chân dường như ở trong tình trạng tốt, các nhà khoa học nói rằng vẻ ngoài nhợt nhạt có thể bị đánh lừa. Cấu trúc vật lý của nó phần lớn giống như trước đây từ 15 đến 20 triệu năm trước, nhưng phần lớn xương đã bị phân hủy và các đặc tính hóa học của nó đã bị biến đổi.

Các nhà nghiên cứu nói rằng đây là thành phần tuyệt vời của hổ phách. Hổ phách đóng vai trò như một rào cản giữa các sinh vật bị mắc kẹt bên trong nó và môi trường bên ngoài, thường bảo tồn một loài thực vật hoặc động vật trong tư thế ba chiều.

Hầu hết các sinh vật được tìm thấy trong hổ phách là côn trùng có thể đã chết khi nhựa cây dần dần lăn qua chúng, cứng lại và bảo tồn chúng mãi mãi.

Để một sinh vật bị hóa thạch, trước tiên nó phải được nhúng nhanh vào nhựa, điều này ngăn cản các động vật khác ăn nó hoặc vi sinh vật phân hủy nó. Theo thời gian, các thành phần ban đầu của sinh vật dần được thay thế bằng khoáng chất.

Việc bảo tồn các sinh vật hoặc các bộ phận của chúng trong thời gian địa chất dài đòi hỏi các điều kiện đặc biệt trước và sau khi sinh vật chết. Thêm vào đó các quá trình hóa học tự nhiên xảy ra trong hổ phách đôi khi sẽ làm suy yếu mô mềm hữu cơ các sinh vật được bảo tồn.

Các nhà địa chất học từ Đại học Bonn hợp tác với Quỹ Nghiên cứu Đức và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên bang Stuttgart đã kiểm tra bàn chân thằn lằn nhỏ bằng cách chuẩn bị các phần mỏng của hóa thạch để phân tích dưới kính hiển vi bằng phương pháp chụp cắt lớp vi tính.

Móng vuốt và ngón chân trên bàn chân rõ ràng đến mức các nhà nghiên cứu có thể xác định rằng bàn chân trái bị gãy ở hai nơi. Một trong những vị trí xương gãy được bao quanh bởi dấu hiệu sưng nhẹ, một dấu hiệu cho thấy con vật có thể đã bị thương bởi một kẻ săn mồi trước khi chết. Một vết nứt khác xảy ra sau khi hóa thạch được nhúng vào nhựa cây ở cùng nơi xảy ra một vết nứt nhỏ trong hổ phách.

Rất ít còn lại của mô ban đầu và thành phần đàn hồi xương đã bị thoái hóa. Trên thực tế, mô xương đã được chuyển đổi từ hydroxyapatite, một khoáng chất có trong men răng và xương, thành một khoáng chất phốt phát phổ biến được gọi là fluorapatite.

Jonas Barthel, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Khoa học Địa chất thuộc Đại học Bonn, cho biết điều này thật đáng ngạc nhiên vì hổ phách xung quanh phần lớn bảo vệ hóa thạch khỏi các tác động của môi trường. Các cơ chế đằng sau quá trình hóa thạch hiện đang là chủ đề được quan tâm đặc biệt.

Minh Long

Theo IFL Science