Thực vật cũng có bộ não?

(Dân trí) - Những quan điểm chính thống về thực vật cho rằng, sự nảy mầm của cây cối chỉ là một quá trình cơ học thuần túy, được vận hành hoàn toàn nhờ các kích thích bên ngoài và bản thân hạt giống không hề chỉ đạo quá trình này.

Thực vật cũng có bộ não? - 1

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đã thay đổi quan điểm này một cách triệt để.

Các nhà khoa học từ Đại học Birmingham đã phát hiện rằng, chính bản thân thực vật tự quyết định thời điểm nảy mầm, tự tạo ra những quyết định hiệu qua thông qua sự tương tác giữa hai nhóm tế bào tạo thành một mô hình tương tự như một bộ não con người.

Nhóm nghiên cứu dưới sự dẫn dắt của nhà khoa học Geogre Bassel từ khoa Khoa học sinh học đã phát hiện ra hai loại tế bào hoạt động phối hợp trong phôi của cây Arabidopsis (một cây có hoa nhỏ thuộc họ cải). Một nhóm tế bào thúc đẩy hạt giống ngủ yên, trong khi nhóm khác thúc đẩy sự nảy mầm.

Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng hai nhóm này có cùng một vai trò là trung tâm ra quyết định thông qua vận chuyển các hooc-môn từ nhóm này sang nhóm kia.


Hình ảnh tái tạo kỹ thuật số ở phôi thực vật thể hiện vị trí của các bộ phận ra quyết định.

Hình ảnh tái tạo kỹ thuật số ở phôi thực vật thể hiện vị trí của các bộ phận ra quyết định.

Sử dụng các cây đã biến đổi gen để làm tăng tín hiệu hóa học, các nhà khoa học thấy rằng hai hooc-môn trao đổi giữa hai nhóm tế bào có hiệu quả dẫn tới quyết định thời điểm kích hoạt sự nảy mầm.

Sự tương tác giữa các tế bào cho phép kiểm soát thời gian nảy mầm tốt hơn, đảm bảo rằng quá này không bắt đầu quá sớm khi thời tiết lạnh có thể giết chết cây non – hoặc quá muộn khi mức cạnh tranh cao hơn có thể làm cây non bị đói.

Ông Bassel cho biết “nghiên cứu này cho thấy sự tách biệt rất quan trọng giữa các thành phần ở trung tâm ra quyết định của thực vật. Trong bộ não của con người, sự tách biệt này được cho là để trì hoãn, tín hiệu làm giảm tiếng ồn của môi trường và gia tăng độ chính xác khi chúng ta đưa ra quyết định. Sự tách biệt ở trong các phần khác nhau của “bộ não” thực vật này dường như cũng là trung tâm hoạt động của cây cối”.

Đồng tác giả của nghiên cứu này – nhà khoa học Iain Johnston – đã so sánh quá trình ra quyết định này với việc con người quyết định xem có nên đi xem phim hay không. “Việc tách các phần tử mạch cho phép có nhiều loại phản ứng với các kích thích từ môi trường hơn. Nó cũng giống như sự khác biệt giữa việc ai đó đọc một bài phê bình về một bộ phim nào đó tới 4 lần, và đọc bốn bài phê bình khác nhau trước khi quyết định có đi xem phim hay không”.

Anh Thư (Theo Cosmos magazine)