Thời tiết ấm hơn không làm giảm tốc độ lây nhiễm Covid-19

(Dân trí) - "Thời tiết ấm hơn không làm giảm nguy cơ lây lan virus corona chủng mới", thông tin được Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ và một báo cáo của các nhà khoa học từ Trung Quốc cho biết.

Thời tiết ấm hơn không làm giảm tốc độ lây nhiễm Covid-19 - 1
"Nếu cho rằng các quốc gia hiện đang ở vùng khí hậu thường xuyên nóng bức chẳng hạn như Úc và Iran có thể ít nguy cơ lây nhiễm virus corona chủng mới là hoàn toàn chưa chính xác”, các chuyên gia tại Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ khẳng định.

Một nghiên cứu mới được thực hiện trong khoảng thời gian từ đầu tháng 1 đến đầu tháng 3 tại 224 thành phố phát hiện ra rằng việc lây nhiễm coronavirus dường như không thay đổi theo sự biến động của nhiệt độ hoặc độ ẩm hàng ngày.

"Nghiên cứu của chúng tôi không ủng hộ giả thuyết rằng nhiệt độ cao và bức xạ tia cực tím có thể làm giảm việc lây nhiễm Covid-19”, một nhóm nghiên cứu do nhà nghiên cứu Ye Yao, thuộc Đại học Fudan, Thượng Hải, cho biết.

Bác sĩ Robert Glatter, một chuyên gia y tế khẩn cấp làm việc tại trung tâm dịch Covid-19 ở New York, cũng đồng ý với quan điểm này.

Phát hiện mới trái với tuyên bố hồi đầu tháng 2 rằng virus sẽ biến mất một cách kỳ diệu vào tháng 4 khi nhiệt độ tăng.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý một chi tiết đó là với những ngày nắng nhiều hơn, mùa hè có thể tăng mức vitamin D tự nhiên của mọi người, do đó nó có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Các tia UV của mặt trời cũng được cho là giúp tiêu diệt các loại virus như cúm và cảm lạnh thông thường. Ngoài ra, hầu hết các quốc gia cho phép trẻ em nghỉ hè, điều này cũng có thể làm giảm tốc độ lan truyền virus.

Để tìm hiểu sâu hơn, nhóm nghiên cứu của Yao đã tiến hành phân tích về sự lây lan của coronavirus mới trên khắp Trung Quốc, bao gồm cả tỉnh Hồ Bắc, nơi đại dịch toàn cầu bắt đầu. Họ so sánh dữ liệu dịch tễ học với sự biến động của nhiệt độ hàng ngày và lượng ánh sáng mặt trời, cũng như sự thay đổi độ ẩm.

Báo cáo mới nhất nhóm nghiên cứu Trung Quốc phát hiện ra rằng, sau khi điều chỉnh độ ẩm và tia cực tím, khả năng lan truyền của Covid-19 sẽ không thay đổi khi nhiệt độ tăng. Tương tự như vậy, điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm, lượng ánh sáng mặt trời cũng không ảnh hưởng đến tốc độ lan truyền của loại virus gây đại dịch Covid-19.

Mô hình này tương tự như những gì đã thấy với một ổ dịch liên quan đến coronavirus khác là sự lây lan vào năm 2012 đến 2013 của hội chứng hô hấp Trung Đông. Trong đợt bùng phát đó, các trường hợp lây nhiễm MERS vẫn lan rộng ngay cả khi nhiệt độ bên ngoài ở bán đảo Ả Rập tăng vọt.

Trang Phạm

Theo Upi