Thí nghiệm thành công cấy chuyển bộ nhớ trên động vật

(Dân trí) - Các nhà khoa học của Trường đại học Los Angeles California (UCLA) đã cấy thành công bộ nhớ của một con ốc sên sang một con ốc sên khác, như vậy khái niệm cấy ghép bộ nhớ hoặc cấy kĩ năng mới cho một sinh vật có ý thức đã tiến xa thêm một bước đáng kể.

Khái niệm “có thể lấy ra và chuyển trí nhớ của một sinh vật có ý thức sang một sinh vật có ý thức khác” không còn là điều kì quặc nữa. Từ lâu, ý tưởng này đã xuất hiện nhiều trong khoa học viễn tưởng và đến nay các nhà nghiên cứu mới tiến hành tìm ra được manh mối cơ sở vật chất lưu giữ trí nhớ.

Trong nghiên cứu mới đây, các nhà sinh vật học của UCLA tuyên bố họ đã thành công trong việc lấy một dạng kí ức đơn giản từ một con ốc sên biển và cấy sang một con khác.

Rất nhiều sinh vật biển hoạt động giống như động vật có vú, mặc dù là theo cách đơn giản hơn nhiều. Ốc sên biển là một đối tượng thí nghiệm tốt vì sự truyền dẫn thần kinh của chúng rất giống với của con người.

Các nhà nghiên cứu đã cấy thành công kí ức của ốc sên bằng cách chuyển một dạng thông tin di truyền được gọi là RNA (a-xít ri-bô-nu-clê-ích, và cũng giống như DNA, RNA quyết định sự tồn tại của các cơ thể sống) từ một con ốc sên được huấn luyện đặc biệt sang những con ốc sên khác chưa được huấn luyện.

Trong nghiên cứu này, ốc sên bị va đập đột ngột, gây sốc để tạo phản xạ tự vệ. Những con được huấn luyện đều co lại chừng 40 – 50 giây sau khi bị va đập, trong khi những con không huấn luyện thì chỉ sau 1 - 2 giây. Nhưng khi cấy các phân tử RNA của những con đã huấn luyện sang những con chưa huấn luyện thì chúng trở nên có phản xạ tự vệ khi bị va đập. Nghiên cứu đã tìm ra manh mối nơi cất giữ trí nhớ và cách thay đổi bộ nhớ này.

Tiến sĩ David Galnzman, thành viên của Viện nghiên cứu Não, thuộc UCLA, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết “nếu trí nhớ được lưu trong các khớp thần kinh thì thí nghiệm của chúng tôi đã không thành công”. Ông hi vọng nghiên cứu này cũng sẽ có ích trong việc điều trị các rối loạn do thoái hóa não, ông nói “tôi cho rằng trong tương lại không xa, chúng ta có thể sử dụng RNA để cải thiện tình trạng bệnh Alzheimer hoặc rối loạn tâm lý sau sang chấn”.


Tiến sĩ David Galnzman, thành viên của Viện nghiên cứu Não, thuộc UCLA cầm một con ốc biển.

Tiến sĩ David Galnzman, thành viên của Viện nghiên cứu Não, thuộc UCLA cầm một con ốc biển.

Tài liệu nghiên cứu của nhóm đã ghi lại như sau: “Các nhận định trước đây vẫn cho rằng trí nhớ dài hạn thường được mã hóa thành những thay đổi trong liên kết khớp thần kinh. Tuy nhiên, một mô hình khác lại cho thấy trí nhớ dài hạn được mã hóa bằng những thay đổi biểu sinh.”

Có nhiều loại RNA và trong nghiên cứu tới đây, tiến sĩ Glanzman muốn xác định các loại RNA có thể sử dụng để cấy chuyển trí nhớ.

Lĩnh vực khoa học này vẫn còn rất mới mẻ và chắc sẽ mất nhiều thập kỉ nữa các nhà nghiên cứu mới tính đến bước áp dụng lên cơ thể người. Có thể ví việc này giống như chúng ta vẫn còn xa mới lấy được đai đen của Ka-ra-te nhờ tiêm một loại RNA vào người, hay là chỉ sau một lần làm thủ thuật y tế là có ngay những bước nhảy quyến rũ, nhưng rõ ràng là nhờ những con ốc sên bé nhỏ, chúng ta đã tiến thêm một bước gần hơn đến những mục tiêu của mình.

Phạm Hường (Theo News)