Thán phục với "kỹ sư chân đất" chế nông cụ ở miệt Hậu Giang

(Dân trí) - Gần 10 năm qua, cái tên Tư Sáng đã thành một thương hiệu về sản xuất nông cụ ở đất Hậu Giang. Dấu ấn của ông bắt đầu từ chiếc máy hút và thổi lúa khô, máy xúc lúa lò sấy đến nay đã có hơn hàng chục máy các loại được nông dân ở Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp mua và sử dụng.

Những sáng chế gắn liền với cây lúa

Căn nhà nhỏ xây bằng gạch nằm khép bên đường ở khu vực 4, phường I, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) của ông Tư Sáng (tên thật Nguyễn Văn Sáng) có những nét "đặc biệt" so với những nhà xung quanh khi trước sân lỉnh kỉnh máy móc. Nhìn từ xa nhiều người lầm tưởng ông là người "ốm yếu" nhưng khi lại gần mới thấy cơ bắp săn chắc – một nét thường có ở những lão nông chính hiệu.

Bước qua tuổi 65 nhưng lão nông Tư Sáng vẫn hoạt bát giới thiệu về các tính năng của máy xúc lúa trên sân, máy xúc lúa lò sấy, máy cào… “made in Tư Sáng”!

Chúng tôi ghé thăm khi ông Tư đang lụi cụi lau chùi chiếc “gậy bằng ống nhựa”. Đó là “Nông cụ diệt cỏ” – sản phẩm mới nhất ông cho ra lò bán chạy như “tôm tươi” từ đầu năm 2016 đến nay. “Người nông dân chân đất” Tư Sáng mê sáng chế những nông cụ trên đồng ruộng vì mỗi lẻ đơn giản bàn chân ông từng cặm cụi trên đồng ruộng với nhiều cực nhọc và trăn trở!


Nông dân chân đất Tư Sáng đang mày mò để cho ra đời chiếc gậy phun thuốc diệt cỏ

Nông dân chân đất Tư Sáng đang mày mò để cho ra đời chiếc "gậy" phun thuốc diệt cỏ

Nói về sản phẩm mới của mình, ông Tư Sáng tươi cười chia sẻ: "Cấu tạo của nó đơn giản, nhưng nông cụ lại có thể diệt được 3 loại cỏ dại: đuôi phụng, cỏ gạo và lúa cỏ rất hiệu quả”! Nông cụ diệt cỏ như một chiếc gậy. Nó được làm bằng ống nước nhựa PVC dài 2m, bịt hai đầu để đựng thuốc diệt cỏ bên trong. Trên ống nhựa gắn một đoạn ống nhựa khác cùng cỡ dài 2 tấc để làm nơi rót thuốc vào ống. Ống này chứa được 250ml thuốc đậm đặc gồm thuốc cỏ cháy và thuốc diệt cỏ lưu dẫn, vì loại này vừa làm khô nhanh bông cỏ vừa làm chết cả cây. Với 15 lỗ đục trên thân ống (khoảng 1/2 thân gậy), lượng thuốc phun ra thấm qua lớp vải quấn trên thân vừa đủ để dính lên cây cỏ và diệt cỏ nhưng không ảnh hưởng tới lúa"

"3 loại cỏ trên đều có chiều cao vượt hơn so với cây lúa khoảng 10-20cm, cây lúa bên dưới không bị ảnh hưởng. Khi thực hiện thao tác diệt cỏ, người nông dân rà phía trên cây lúa (nơi mà cỏ mọc vượt cao hơn), nước thuốc từ vải dính vào cỏ, gây tác dụng để diệt cỏ, còn lúa bên dưới không bị ảnh hương bởi thuốc không bị nhiễu xuống do có lớp vải ngăn lại" - nông dân Tư Sáng giải thích.

Ra đời chưa lâu, nhưng nông cụ diệt cỏ xuất hiện nhiều trên đồng ruộng vì nhiều người dân tò mò mua về sử dụng.

“Chi phí giảm rất nhiều, nếu thuê nhân công nhổ cỏ mất gần ba trăm ngàn/ngày. Giờ có nông cụ diệt cỏ chỉ tốn khoảng khoảng một trăm ngàn đồng nhưng có thể xài được 2 lần” – anh Sáu Rồng ở phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), vừa dùng nông cụ diệt cỏ cho biết.


Chiếc máy hút - thổi lúa của Tư Sáng vừa hoàn thành

Chiếc máy hút - thổi lúa của Tư Sáng vừa hoàn thành

Gần 10 năm qua, cái tên Tư Sáng đã thành một thương hiệu về sản xuất nông cụ ở đất Hậu Giang. Dấu ấn của ông bắt đầu từ chiếc máy hút và thổi lúa khô, máy xúc lúa lò sấy đến nay đã có hơn hàng chục máy các loại được nông dân ở Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp mua và sử dụng.

Hai lần nếm chén đắng = Made in Tư Sáng!

Trong ngày chúng tôi ghé thăm cũng là thời điểm ông Tư vừa chạy xe gắn máy xuống Gò Quao để sửa chửa lưỡi khoan máy xúc lúa lò sấy cho Mười Phong. Mười Phong là một trong những người đầu tiên mua máy xúc lúa lò sấy của ông Tư. Ông Tư cười: “Chỉ cần lấy sắt quấn quanh lưỡi khoan là máy xúc lúa của Mười Phong chạy ngon lành”! Giờ đây, ông Tư Sáng có thể đã sành nghề, mọi chuyện trở nên thuần thục. Nhưng nhớ lại những ngày đầu ông ấp ủ và mày mò làm chiếc máy xúc lúa không khỏi cười ra… nước mắt!

Sẽ bắt đầu từ đâu, hình thù chiếc máy ra sao? Đó là câu hỏi luôn hiện diện trong đầu ông khi manh nha ý tưởng… “trăm nghe không bằng một thấy” - ông Tư lang thang khắp Hậu Giang, rồi sang Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp tìm hiểu nguyên lý hoạt động của các loại máy gặt đập liên hợp, máy suốt lúa – nhất là công đoạn lấy và đưa lúa vô bao.

Tư Sáng cầm điển khiển bên chiếc máy xúc lúa
Tư Sáng cầm điển khiển bên chiếc máy xúc lúa

Nhiều người biết được ý tưởng đã truyền kinh nghiệm sản xuất máy gặt đập liên hợp, máy tuốt lúa cho ông Tư. Rong ruổi mấy tháng trời, cuối cùng những bộ phận chính và hình thù chiếc máy xúc lúa được phác thảo. Lúc đầu ông tiện một đoạn kim loại lớn có hình dáng giống mũi khoan nhưng có các rãnh sâu hơn (bộ phận này có chức năng đưa lúa qua ống), hàn các tấm kim loại làm thành đựng lúa, ống đưa lúa ra ngoài rồi ráp thành máy xúc lúa.

Qua chạy thử bằng tay có kết quả khả quan nhưng vận hành thủ công thì công suất và hiệu quả không cao. Ông Tư tiếp tục nhiều đêm mất ngủ để quyết định gắn thêm mô – tơ điện để làm động cơ hoạt động. Vậy là chiếc máy xúc lúa thế hệ đầu tiên ra đời tháng 4/2007 mang nhãn hiệu Tư Sáng.

Tháng đó, ông Tư Sáng bán được 2 cái máy xúc lúa lò sấy cho hai nông dân ở huyện Vị Thủy – Hậu Giang. Giữ lời hứa, Hai bạn tâm giao của Tư Sáng mần gà khao thành quả! Trớ trêu, cái ngày các chiến hữu ngả con cầy lai rai thì hai khách hàng đầu tiên lại đem 2 cái máy xúc lúa trả lại cho ông Tư Sáng. Nguyên nhân được hai khách hàng đầu tiên đưa ra: Máy gì mà xúc lúa là bụi ra mù trời ai chịu nỗi!

Ông Tư Sáng như hai lần nếm chén đắng: bạn bè ái ngại mất hứng, thím Tư thì thỏ thẻ tâm sự: “Ông à, làm máy xúc lúa sống được không ông. Thôi ông đem hai cái máy xúc vô phòng làm kỷ niệm cho rồi”!

Ông Tư biết vợ lo cho mình, không nản chí ông tiếp tục mày mò từng bước cải tiến nâng cấp có hệ thống lọc bụi và dần hoàn thiện chiếc máy xúc “made in Tư Sáng”: Thùng đựng lúa + giàn cào lúa + trục khoan lúa + hệ thống quạt gió + hệ thống điều chỉnh độ cao thấp thùng đựng lúa… Máy vận hành bằng mô - tơ điện và 4 bánh xe tiện lợi khi di chuyển. Chỉ một người điều khiển, máy tự động cào lúa vô thùng bằng hệ thống giàn cào lúa, đưa lúa ra ống đổ vô bao bằng trục khoan. Những chiếc máy này đã góp phần không nhỏ để đánh bóng và nâng cao chất lượng cho hạt lúa miền Tây.

Mới đây, ông Tư Sáng đã tiếp tục thành công khi cho ra đời máy sạ lúa “bằng sức 20 người đi sạ”. Với kinh phí 10 triệu đồng, trong 3 tháng ông hoàn thành chiếc máy bán với giá 18 triệu đồng/chiếc. Theo ông Tư Sáng, trên thị trường đã có một số máy sạ hàng, nhưng không nhanh hơn một người sạ trong cùng thời gian. Chiếc máy sạ của ông có công suất tối đa 20 ha/ngày đối với cánh đồng lớn.

Nhưng có lẽ vui nhất là ông Tư sáng đã cho ra lò được chiếc máy xúc lúa tự chạy được trên sân phơi. Đây là ao ước của ông Tư Sáng ấp ủ để giúp nông dân "chạy trời khi mưa giông". Giờ có vẻ ông Tư đang tiếp cận với những khách hàng “lớn” khi nâng cấp chiếc máy xúc lúa di động điều khiển bằng rờ-mốt (điều khiển từ xa) và máy hút – thổi lúa.

“Thế hệ chúng tôi chắc cũng làm tới chừng ấy, mong rằng sẽ làm nền cho lớp trẻ hôm nay tấn tới chế tạo ra nhiều máy móc thiết thực, giúp ích nhiều hơn cho nông dân”- ông Tư Sáng bộc bạch.

Chia tay ông Tư Sáng, tôi thầm cảm ơn người “kỹ sư chân đất” miệt Hậu Giang đã cố hết sức để “hạt ngọt” của nông dân vơi đi những cực nhọc.

Phạm Tâm – Tường Vy