Tại sao một số loại thực phẩm lại phát nổ khi nấu bằng lò vi sóng?

(Dân trí) - Để biết được nguyên nhân vì sao một số loại thực phẩm lại phát nổ khi cho vào lò vi sóng, chúng ta cần phải nắm được nguyên lý hoạt động của thiết bị làm bếp tân tiến này!

Nguyên lý hoạt động của lò vi sóng

Trái ngược với các thiết bị nhà bếp truyền thống là truyền nhiệt trực tiếp lên bề mặt thực phẩm như bếp bếp ga hay lò nướng, lò vi sóng lại sử dụng sóng vi ba, vốn là một dạng an toàn của sóng điện từ để làm chín thực phẩm. Điều đặc biệt là loại sóng này có khả năng xuyên qua dễ dàng cấu trúc của thực phẩm. Do đó, mọi vị trí cả bên trong, lẫn bên ngoài thực phẩm đều được làm nóng cùng lúc.

Ngoài ra, trong khi nhiệt lượng ở bề mặt thực phẩm, được sinh ra bởi sóng vi ba, có thể dễ dàng bức xạ một phần ra môi trường, thì ở vị trí bên trong, nhiệt lượng sẽ bị “bẫy” lại. Đây cũng chính là nguyên nhân mà khi nấu ăn bằng lò vi sóng, phần ruột của món ăn thường sẽ chín trước.

Tại sao một số loại thực phẩm lại phát nổ khi nấu bằng lò vi sóng? - 1

Tại sao một số loại thực phẩm lại phát nổ trong khi một số khác lại không?

Cơ chế hoạt động của lò vi sóng sẽ tuyệt đối an toàn cho việc nấu nướng, ngoại trừ trường hợp thực phẩm cho vào lò thuộc loại có hàm lượng nước cao và kết cấu “kín” như: trứng, khoai tây hay thậm chí là xốt cà chua.

Điều kì lạ này xuất phát từ thành phần nước nằm sâu trong ruột của thực phẩm. Cụ thể, khi bị làm nóng bởi sóng viba, phần nước này sẽ nhanh chóng chuyển thành hơi. Điều đáng nói là phần hơi đó sẽ bị kẹt cứng trong lòng thực phẩm mà không thể thoát ra ngoài, nên vô tình tạo ra áp suất. Theo chu trình này, áp suất sẽ càng tăng khi càng nhiều nước bị chuyển thành hơi, trong quá trình nấu.

Đến một lúc nào đó, khi áp suất đạt đỉnh, hơi nước sẽ phá tan lớp vỏ thực phẩm để thoát ra ngoài và vụ nổ cũng hình thành từ đó.

Quả trứng phát nổ trong lò vi sóng.

Thảo Vy

Theo Britanica