Sự sống trên sao Hỏa chỉ có thể tồn tại ở rất sâu bên dưới mặt đất

(Dân trí) - Các nhà khoa học cho biết, sao Hỏa gần như không có nước mặt và có những khu vực còn khô kiệt hơn cả những sa mạc khô cằn nhất trên Trái đất – vì thế bất kỳ sự sống nào nếu tồn tại thì đều phải ở rất sâu bên dưới bề mặt.

Một tàu thăm dò của Trung Quốc đang khám phá bề mặt sao Hỏa
Một tàu thăm dò của Trung Quốc đang khám phá bề mặt sao Hỏa

Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã tìm kiếm các bằng chứng gỉ sét trên kim loại trong các thiên thạch đâm vào hành tinh Đỏ để đánh giá độ ẩm ở đây.

Một nghiên cứu trước đó đã tìm thấy bằng chứng rằng trên bề mặt sao Hỏa có thể có nước rất mặn ngưng tụ.

Tuy nhiên trong một nghiên cứu mới, do các nhà khoa học từ Đại học Stirling dẫn đầu đã cho thấy chỉ có một lượng rất nhỏ chất lỏng được tạo thành theo cách này.

Tiến sĩ Christian Schröder, một giảng viên về khoa học môi trường và khám phá hành tinh tại Đại học Stirling phát biểu “nghiên cứu mới nhất này đã khẳng định lại về mức độ khô kiệt của môi trường trên hành tình Đỏ hiện tại.

Theo dữ liệu cho thấy, độ ẩm ở đó thấp hơn nhiều so với độ ẩm ở những nơi khô cằn nhất trên Trái đất. Để sự sống có thể tồn tại trong những khu vực như vậy, nó cần nằm ở vị trí rất sâu phía bên dưới bề mặt, cách xa khỏi sự khô cằn và bức xạ tồn tại trên mặt đất”.

Sao Hỏa đã từng rất khác

Tiến sĩ Schröder cho biết “Các bằng chứng cho thấy rằng hơn 3 tỉ năm trước, sao Hỏa đã rất ẩm ướt và có thể sinh sống được”.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Nature Commnunications, các nhà nghiên cứu cho rằng, có vẻ như sao Hỏa đã khô kiệt như hiện nay trong hàng triệu năm rồi.

Nước được cho là điều kiện tiên quyết quan trọng nhất đối với sự sống.

Nghiên cứu này sử dụng thông tin từ Tàu thăm dò sao Hỏa Mars Exploration Rover Opportunity về một cụm thiên thạch ở Meridiani Planum – nằm ở ngay phía nam của đường xích đạo sao Hỏa.

Các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu này để tính toán tỷ lệ phong hóa cho sao Hỏa lần đầu tiên, cụ thể là phải mất bao lâu để tạo thành gỉ sắt từ kim loại trong các thiên thạch.

Phải mất lâu hơn ít nhất là 10 và có thể lên tới 10.000 lần để trên sao Hỏa đạt được mức độ hình thành gỉ sét tương tự như các sa mạc khô cằn nhất trên Trái đất.

Trước đó, giáo sư về địa chất hành tinh Alfred McEwen – công tác tại Đại học Arizona – cho rằng: phần lớn địa chất hàng tỉ năm tuổi ghi lại sự sống trên sao Hỏa có thể đã biến mất, nhưng nó vẫn còn được lưu giữ trên sao Hỏa. Theo ông, ở độ sâu vài km phía dưới mặt đất, nhiệt độ đủ ấm áp để nước có thể tồn tại ở dạng lỏng. Vì vậy, nếu trong quá khứ sao Hỏa đã từng có sự sống, thì nó có thể hoàn toàn tồn tại đến hiện nay trong các túi nước này.

Anh Thư (Tổng hợp)