Sự sống ngoài hành tinh có thể tồn tại bên dưới bề mặt sao Hỏa

(Dân trí) - Việc phát hiện ra sự sống trên sao Hỏa đang dần trở thành hiện thực sau khi các nhà khoa học tìm thấy một loại vi khuẩn cực mạnh có thể đang phát triển mạnh mẽ trong môi trường hết sức khắc nghiệt của hành tinh Đỏ.

Sự sống ngoài hành tinh có thể tồn tại bên dưới bề mặt sao Hỏa - 1

Các chuyên gia đã chạy các chương trình thí nghiệm mô phỏng các điều kiện trên sao Hỏa, và tìm thấy một loại muối trong đất – muối magnesium perchlorate – có thể ngăn không cho nước bị đóng băng bên dưới bề mặt.

Một quá trình tương tự cũng được tìm thấy trên Trái Đất, đó là ở bên dưới các băng hà ở Bắc Cực, và đôi khi là ở bên dưới núi lửa. Trong môi trường như vậy trên Trái Đất, các nhà khoa học đã tìm thấy một loại vi khuẩn sinh sống, từ đó đã dẫn đến giả thuyết về một quá trình tương tự cũng có thể diễn ra bên dưới bề mặt sao Hỏa – nơi nhiệt độ chỉ khoảng -155 độ C.

Tiến sĩ Dougan, tới từ Khoa Vật lý và Thiên văn học và Trung tâm Astbury của trường Đại học Leeds (Anh) đã phát biểu về nghiên cứu này: “ Việc phát hiện ra một lượng đáng kể các loại muối perchlorate khác nhau trong đất sao Hỏa đã mang đến một cái nhìn mới về “các đáy sông” trên sao Hỏa”.


Bên dưới bề mặt sao Hỏa, nhiệt độ có thể xuống tới -155 độ C.

Bên dưới bề mặt sao Hỏa, nhiệt độ có thể xuống tới -155 độ C.

“Nhiệt độ bề mặt sao Hỏa chỉ có thể lên tới khoảng 20 độ C ở xích đạo và xuống tới khoảng – 153 độ C ở các cực”.

“Với nhiệt độ bề mặt trung bình là -55 độ C, bản thân nước không thể tồn tại ở dạng lỏng trên sao Hỏa, tuy nhiên, các dung dịch muối perchlorate cô đặc lại có thể tồn tại ở các mức nhiệt độ thấp như vậy”.


Nước có thể tồn tại bên dưới bề mặt.

Nước có thể tồn tại bên dưới bề mặt.

“Muối magnesium perchlorate rõ ràng là một yếu tố quan trọng trong việc xác lập điểm đóng băng của dung dịch này, và nó mở đường cho việc tìm hiểu về cách để một loại chất lỏng có thể tồn tại trong điều kiện nhiệt độ dưới mức đóng băng của sao Hỏa”.

Nhà khoa học Dougan cho rằng, phát hiện này đã đặt ra những câu hỏi thú vị về khả năng tồn tại sự sống trên sao Hỏa.

Theo ông, “nếu cấu trúc của nước trên sao Hỏa là loại có áp suất cao, thì chúng ta có thể trông đợi vào việc sẽ tìm thấy các sinh vật thích nghi với điều kiện sống có áp suất cao giống như các sinh vật ưa áp trên Trái Đất, chẳng hạn như các vi khuẩn ở biển sâu và các loại sinh vật khác có thể phát triển mạnh mẽ trong điều kiện áp suất cao.

“Điều này làm nổi bật tầm quan trọng của việc nghiên cứu sự sống trong các môi trường khắc nghiệt, cả các môi trường trên mặt đất hoặc các môi trường khác, để chúng ta có thể hiểu biết đầy đủ về giới hạn tự nhiên của sự sống”.

Anh Thư (Theo Express)