Sử dụng giun để nghiên cứu cơ trên vũ trụ

(Dân trí) - Hàng nghìn con giun nhỏ sẽ được gửi vào vũ trụ cuối năm nay để giúp nghiên cứu về việc mất cơ ở người.

Sử dụng giun để nghiên cứu cơ trên vũ trụ - 1

Các nhà khoa học thuộc Đại học Exeter ở Devon cho biết họ sẽ sử dụng giun tròn vì chúng có cấu trúc cơ tương tự như người.

Các phi hành gia mất khoảng 40% tổng lượng cơ sau 180 ngày trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Các nhà nghiên cứu hi vọng nghiên cứu này có thể giúp những người mắc bệnh liên quan đến loạn dưỡng cơ và bệnh tiểu đường.

Colleen Deane đang thử một loại thuốc trên Nick Thompson, cư dân Sidmouth, có thể giúp duy trì cơ khỏe mạnh ở đàn ông cao tuổi
Colleen Deane đang thử một loại thuốc trên Nick Thompson, cư dân Sidmouth, có thể giúp duy trì cơ khỏe mạnh ở đàn ông cao tuổi

Những con giun – một loại giun tròn tên Caenorhabditis elegans (C. elegans) – sẽ được đặt trong tên lửa và phóng lên từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy, Florida, vào ngày 29 tháng 11, và đi 402km tới ISS.

Chúng rất có ích để các nhà khoa học nghiên cứu những thay đổi dài hạn trong chức năng sinh lý của con người vì chúng cũng bị mất cơ trong những điều kiện tương tự như con người.

Colleen Deane, một nhà nghiên cứu tại Đại học Exeter, cho hay các cơ yếu đi trên vũ trụ vì thiếu trọng lực.

Cô cho biết: “Khi trở lại Trái đất, các phi hành gia không thể chuyển động như trước và họ phải thực hiện các chương trình hồi phục hạng nặng. Vì đó là một mẫu vật tốt cho cơ của người, chúng tôi sẽ gửi giun lên vũ trụ và theo dõi những thay đổi và tác động của việc bay vào vũ trụ với cơ của chúng”.

Nghiên cứu giun được Tiến sĩ Timothy Etheridge thuộc Đại học Exeter đưa ra năm 2015
Nghiên cứu giun được Tiến sĩ Timothy Etheridge thuộc Đại học Exeter đưa ra năm 2015

Lũ giun, quá nhỏ để có thể quan sát bằng mắt thường, sẽ được đặt trong những chiếc túi nhỏ chứa thức ăn lỏng và được đưa tới ISS để sống và sinh sản trong chưa đầy một tuần.

Sau đó chúng sẽ được các phi hành gia làm đông lạnh ở -80 °C trước khi được đưa trở lại Trái Đất để phân tích sức khỏe cơ.

Giun tròn thường được xem như hàng hóa trong các chuyến bay vào không gian để nghiên cứu và chúng thậm chí còn sống sót trong thảm họa tàu con thoi Columbia năm 2003.

Lộc Xuân (Theo BBC News)