“Siêu ngựa” biến đổi gen có thể ra đời vào năm 2019

(Dân trí) - Công nghệ chỉnh sửa gen Crispr đã thành công trong việc tạo ra một phôi ngựa có thể nhanh và khỏe hơn những con ngựa đua tốt nhất hiện nay.


Những con ngựa vô địch như Frankel có lẽ sẽ ra đời vào năm 2019.

Những con ngựa vô địch như Frankel có lẽ sẽ ra đời vào năm 2019.

Đây là một bước một phá của Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học Kheiron, nơi đã nhân bản thành công những con ngựa cho môn polo. Theo các quy định hiện hành, động vật biến đổi gien được phép tham gia tại tất cả các sự kiện thể thao quốc tế, bao gồm cả Thế vận hội.

Crispr là công cụ để thực hiện các sửa đổi chính xác trong chuỗi phân tử DNA. Công nghệ này liên quan đến một enzyme cắt DNA và một vị trí được đánh dấu để cắt. Các chuyên gia từ Kheiron Biotech, một trung tâm nhân bản ngựa chuyên nghiệp ở Buenos Aires, Argentina, đã tập trung nghiên cứu chuỗi gen myostatin điều khiển và hạn chế sự phát triển của cơ bắp. Bằng việc thay đổi nó, trên lý thuyết những con ngựa sẽ có cơ bắp phát triển một cách đáng kể, giúp chúng chạy nhanh và dai sức hơn. Các phôi ngựa khỏe mạnh đã được tạo ra thành công và sẽ được cấy ghép vào con cái để sinh nở trong 2 năm tới.

Sammartino, người sáng lập Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học Kheiron, nói với tờ The Telegraph : "Công nghệ này mang đến nhiều tiến bộ trong việc gây giống ngựa. Nó cho phép tạo ra con ngựa tốt hơn mà lại tiết kiệm thời gian. Thách thức lớn của chúng tôi không chỉ là xuất khẩu công nghệ, mà còn là phát triển kỹ thuật đa mục đích này với các loài động vật khác”.

Ngựa biến đổi gien đã được sử dụng trong thể thao từ hơn một thập kỷ trước, với con ngựa đầu tiên được nhân bản vào năm 2003. Năm ngoái, nhà vô địch giải Argentina mở rộng Adolfo Cambiaso đã cưỡi tổng cộng sáu con ngựa đua, tất cả được nhân bản từ cùng một con gốc.


Crispr là một công cụ để chỉnh sửa chính xác DNA, được phát hiện trong nghiên cứu vi khuẩn.

Crispr là một công cụ để chỉnh sửa chính xác DNA, được phát hiện trong nghiên cứu vi khuẩn.

Liên đoàn Thể thao cưỡi ngựa Quốc tế (FEI) đã chính thức bãi bỏ quy định cấm ngựa vô tính trong thi đấu quốc tế vào năm 2013.

Shannon Gibbons, phát ngôn viên của FEI nói: "Chất lượng một con ngựa sinh sản vô tính không giống với ngựa gốc vì nhiều lý do, từ môi trường tử cung con mẹ đến chế độ dinh dưỡng, sự huấn luyện và kiến thức rằng các dòng vô tính không giống nhau như bản gốc. Ngoài ra, các con lai của dòng ngựa vô tính được sinh ra theo cách thông thường nên sự công bằng trong thi đấu vẫn được bảo đảm. Do đó, FEI không cấm ngựa vô tính hay thế hệ sau của chúng tham gia các giải đấu do mình tổ chức. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi những nghiên cứu khoa học mới.”


Liên đoàn Thể thao cưỡi ngựa Quốc tế FEI cho rằng một con ngựa nhân bản vô tính không có lợi thế so với ngựa nuôi cổ truyền.

Liên đoàn Thể thao cưỡi ngựa Quốc tế FEI cho rằng một con ngựa nhân bản vô tính không có lợi thế so với ngựa nuôi cổ truyền.

Việc nhân bản không cải thiện năng lực của một con ngựa và "nâng cấp" nó xét theo bất cứ góc độ nào, chỉ đơn giản là tạo ra một bản sao giống hệt về mặt di truyền của con ngựa gốc.

Tuy nhiên tiến bộ mới này sẽ cho phép các nhà lai tạo và huấn luyện viên “chỉnh sửa" DNA ngựa của mình, để tạo ra một con vật có những đặc điểm tốt nhất.

Hiện nay, không có quy định nào ngăn chặn các loài động vật biến đổi gen tham gia thi đấu trong bất kỳ giải quốc tế nào, bao gồm cả Thế vận hội 2019 sắp tới.

Tùng Anh

Theo Dailymail