Phối hợp hoạt động KH&CN để tạo đột phá cho địa phương

(Dân trí) - Nhờ phối hợp hoạt động KH&CN mà nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh Bắc Giang được bảo hộ tại một số Quốc gia làm nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Nhiều công nghệ mới được giới thiệu và chuyển giao góp phần bảo quản sản phẩm chủ lực của địa phương, nâng cao giá trị, phục vụ xuất khẩu…

Đó là khẳng định của UBND tỉnh Bắc Giang tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai chương trình phối hợp về khoa học và công nghệ (KH&CN) với Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Học viện nông nghiệp Việt Nam diễn ra ngày 12/5.


Quang cảnh hội nghị sơ kết.

Quang cảnh hội nghị sơ kết.

Ông Dương Văn Thái – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Nhằm tăng cường phối hợp hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội, năm 2014, UBND tỉnh Bắc Giang cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Học viện nông nghiệp Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giai đoạn 2014-2020. Mục tiêu của Chương trình nhằm tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý KH&CN; triển khai các đề tài, dự án KH&CN cấp Quốc gia; hỗ trợ xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu và thương mại hóa, phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh Bắc Giang.

“Qua 3 năm triển khai, nhiều nội dung trong Chương trình hợp tác đã được thực hiện với kết quả và hiệu quả rõ nét. Thông qua Chương trình phối hợp, UBND tỉnh Bắc Giang được các cơ quan ưu tiên đầu tư kinh phí và chuyên gia nghiên cứu khoa học” – Ông Thái nhấn mạnh.


Nhờ phối hợp hoạt động KH&CN mà nhiều sản phẩm nông nghiệp của Bắc Giang đã có thương hiệu trong và ngoài nước.

Nhờ phối hợp hoạt động KH&CN mà nhiều sản phẩm nông nghiệp của Bắc Giang đã có thương hiệu trong và ngoài nước.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2014-2017, Bộ KH&CN hỗ trợ tỉnh Bắc Giang 14 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia với tổng kinh phí 53 tỷ đồng. Các dự án đã góp phần tăng nguồn lực đầu tư cho KH&CN, nhiều cây, con giống mới, quy trình công nghệ tiên tiến được áp dụng, nâng cao năng suất, chất lượng, tạo sức cạnh tranh sản phẩm chủ lực tỉnh Bắc Giang, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cũng trong giai đoạn này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp bằng bảo hộ tại nước ngoài đối với sản phẩm vải thiều Lục Ngạn tại 7 quốc gia (Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Singapore). Ngoài ra, sản phẩm gà đồi Yên Thế cũng được bảo hộ tại 4 quốc gia và đã cấp được văn bằng tại 2 quốc gia đối với sản phẩm mì Chũ…

Đáng chú ý là UBND tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nghiên cứu thành công công nghệ bảo quản và nâng cao chất lượng quả vải Lục Ngạn bằng màng bao gói khí quyển biến đổi MAP. Bảo quản 5 tấn vải thiều Lục Ngạn, kéo dài thời gian bảo quản đến 30 ngày, màu sắc, chất lượng quả vải đạt 98% như ban đầu, bảo đảm xuất khẩu sang các thị trường như Singapore, Úc, các nước Đông Nam Á… với giá thành rẻ và bảo quản đơn giản. Khi áp dụng công nghệ này hiệu quả kinh tế tăng lên gấp 5,7 lần so với phương pháp bảo quản thông thường bằng đá lạnh.


Thứ trưởng Phạm Đại Dương đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh Bắc Giang nhưng ông cũng lưu ý vấn đề xử lý sau thu hoạch đối với sản phẩm nông nghiệp.

Thứ trưởng Phạm Đại Dương đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh Bắc Giang nhưng ông cũng lưu ý vấn đề xử lý sau thu hoạch đối với sản phẩm nông nghiệp.

Tham dự buổi sơ kết này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương đánh giá cao kết quả phối hợp hoạt động KH&CN của tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, Thứ trưởng Dương cũng cho rằng, đối với các vùng lấy cây nông nghiệp là chủ lực thì cần phải đặc biệt lưu ý đến vấn đề bảo quản và bán sản phẩm tươi. Thực tế hiện nay đối với quả vải ở Bắc Giang chẳng hạn có những thời điểm chúng ta vẫn nhìn thấy phải bỏ đi do chín rộ, điều này nhắc nhở câu chuyện xử lý sau thu hoạch như thế nào, đặc biệt là vấn đề bảo quản. Đây là vấn đề mà tỉnh Bắc Giang phải cần phải tính tới trong quá trình phát triển.

Nguyễn Hùng