Phát thải carbon năm 2018 cao kỉ lục 37 tỷ tấn – đe dọa mục tiêu khí hậu của Liên hợp quốc

(Dân trí) - Phát thải carbon dioxide (CO₂) do sử dụng nhiên liệu hóa thạch và trong ngành công nghiệp năm 2018 sẽ tăng hơn 2%, đưa phát thải CO₂ toàn cầu lên mức 37,1 tỷ tấn.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp phát thải tăng mạnh kể từ thời kì 2014 – 2016, thời kì mà phát thải đã giữ ở mức ổn định để hướng đến các mục tiêu của Thỏa thuận Paris 2016, một thỏa thuận nhằm mục đích không để phát thải khí nhà kính tăng thêm nữa. Tuy nhiên, sau năm 2018, năm 2019 được dự báo là phát thải CO₂ từ sử dụng than, dầu và khí tự nhiên sẽ còn tiếp tục tăng.

Nhu cầu bức thiết về năng lượng chính là nguyên nhân dẫn đến tăng phát thải, vượt quá cả tốc độ loại bỏ carbon của hệ thống năng lượng. Tổng tiêu thụ năng lượng toàn thế giới đã tăng gần 17%, do tăng dân số tầng lớp trung lưu và nhu cầu cung cấp điện cho hàng trăm triệu người nghèo. Như vậy không riêng nước nào mà tất cả các nước đều đứng trước thách thức phải loại trừ carbon ra khỏi nền kinh tế đồng thời vẫn phải thỏa mãn nhu cầu về năng lượng.

Những phân tích trên được nêu trong báo cáo đánh giá thường niên của Dự án carbon toàn cầu. Đây là dự án kết nối các nhà khoa học trên toàn thế giới trong lĩnh vực biến đổi khí hậu để nghiên cứu các nguồn phát thải cũng như các bể hấp thụ khí nhà kính trên Trái Đất.

Phát thải CO₂ từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch theo số liệu của Báo cáo của Ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (chấm đen và đỏ là dự báo cho năm 2018) và nhu cầu cắt giảm để đạt mục tiêu giữ cho nhiệt độ Trái Đất tăng dưới 1,5 ℃ và 2℃ so với thời kì tiền công nghiệp – nguồn: Dự án carbon toàn cầu
Phát thải CO₂ từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch theo số liệu của Báo cáo của Ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (chấm đen và đỏ là dự báo cho năm 2018) và nhu cầu cắt giảm để đạt mục tiêu giữ cho nhiệt độ Trái Đất tăng dưới 1,5 ℃ và 2℃ so với thời kì tiền công nghiệp – nguồn: Dự án carbon toàn cầu

Các nguồn phát thải do sử dụng nhiên liệu hóa thạch

Điều bất ngờ là trong năm 2017 và 2018 mức độ sử dụng than đá lại tăng lên sau khi đạt mức đỉnh vào năm 2013 rồi giảm dần xuống. Phát thải do sử dụng than năm 2017 bằng 97% năm đỉnh điểm 2013 và là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến năm 2018 tiếp tục tăng vượt cả mức phát thải do sử dụng dầu và khí tự nhiên. Trung Quốc và Ấn Độ là 2 nước phát thải từ than nhiều nhất, Mỹ là nước có mức phát thải từ than giảm xuống nhiều nhất nhờ đóng cửa hơn 250 nhà máy điện than kể từ năm 2010 và dự kiến sẽ ngừng hoàn toàn các nhà máy còn lại trong vòng 5 năm tới.

Tăng phát thải do sản xuất xi-măng đang chậm lại đáng kể.

Phát thải carbon năm 2018 cao kỉ lục 37 tỷ tấn – đe dọa mục tiêu khí hậu của Liên hợp quốc - 2

Phát thải CO₂ do sử dụng nhiên liệu hóa thạch toàn cầu đến năm 2017, dự báo cho năm 2018 – nguồn: Dự án carbon toàn cầu

Xu hướng ở các nước

Hầu hết các nước đều góp phần làm tăng phát thải CO₂ toàn cầu. Tuy nhiên, nhóm 19 nước gây ra 20% phát thải toàn cầu đang có xu hướng giảm trong thập kỉ vừa qua (2008 – 2017) mặc dù kinh tế của các nước này vẫn tiếp tục tăng trưởng, đó là: Aruba, Barbados, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Pháp, Greenland, Iceland, Ireland, Malta, Hà Lan, Rumani, Slovakia, Slovenia, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Trinidad và Tobago, Anh, Mỹ, và Uzbekistan.

Bất ngờ là Trung Quốc trong năm 2017 gây ra 27% phát thải toàn cầu tương đương với tăng 1,7% thì trong năm 2018 lại đặt ra mục tiêu tăng 4,7%. Tương tự như vậy, nước Mỹ gần đây đang trong xu hướng giảm thì cũng xác định sẽ tăng 2,8% trong năm nay do tăng nhu cầu sưởi ấm và làm mát và sử dụng dầu mỏ. Liên minh châu Âu đặt mục tiêu giảm 0,7% so với 1,4% trong năm 2017. Ấn Độ cũng dự kiến tăng 6,3% do tăng sử dụng than. Úc cũng liên tục tăng phát thải khí nhà kính trong vòng 4 năm qua.

Phát thải CO₂ thường niên do sử dụng nhiên liệu hóa thạch đến năm 2018, dự báo cho năm 2018, theo số liệu thu thập đến tháng 9/2018 – nguồn: Dự án carbon toàn cầu
Phát thải CO₂ thường niên do sử dụng nhiên liệu hóa thạch đến năm 2018, dự báo cho năm 2018, theo số liệu thu thập đến tháng 9/2018 – nguồn: Dự án carbon toàn cầu
Phát thải CO₂ năm 2017 tính theo đầu người – nguồn: Dự án carbon toàn cầu
Phát thải CO₂ năm 2017 tính theo đầu người – nguồn: Dự án carbon toàn cầu

Dự báo trong tương lai

Một cuộc cách mạng năng lượng chưa từng có đang diễn ra và sẽ tập trung vào sử dụng các nguồn năng lượng sạch. Trên khắp thế giới, năng lượng tái tạo (mặt trời, gió và nhiên liệu sinh học) đang phát triển mạnh mẽ, tăng gấp 2 sau mỗi 4 năm, mặc dù xuất phát điểm là rất nhỏ so với năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.

Sự liên tục và ngày càng lớn mạnh của xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo rất phù hợp với các yêu cầu của Thỏa thuận Paris. Tuy nhiên, các kịch bản tăng năng lượng tái tạo cũng phải đi đôi với giảm nhanh năng lượng hóa thạch, mà điều này thì chúng ta không thấy được theo những số liệu mới nhất.

Thực tế là phát thải vẫn tiếp tục tăng mạnh trong năm 2018 và rất có thể tiếp tục như vậy trong năm 2019 cho dù điều này đi ngược với các mục tiêu đã được nhất trí trước đây.

Tiêu thụ năng lượng toàn cầu từ năm 2000 đến 2017 – nguồn: Dự án carbon toàn cầu
Tiêu thụ năng lượng toàn cầu từ năm 2000 đến 2017 – nguồn: Dự án carbon toàn cầu

Báo cáo mới đây của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho biết có những khác biệt lớn và ngày càng tăng giữa 1) các xu hướng phát thải hiện nay, 2) giảm phát thải mà các nước đã cam kết, và 3) các xu hướng giảm cần thực hiện để đạt các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.

Nếu các nước vẫn kiên định với mục tiêu giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5℃ thì tất cả đều phải nỗ lực hơn nữa và tăng mức độ cam kết giảm phát thải nhiều hơn.

Phạm Hường (Theo The Conversation)