Phát hiện ngôi làng cổ ở Jerusalem

(Dân trí) - Các nhà khảo cổ học đã phát hiện di tích một ngôi làng nông nghiệp cổ ở phía đông Jerusalem, gồm một khu chôn cất xa xỉ, máy ép ô liu và các bồn tắm nghi lễ.

Phát hiện ngôi làng cổ ở Jerusalem - 1

Bằng chứng khảo cổ có niên đại vào khoảng năm 140 -37 TCN, cho thấy ngôi làng cổ thuộc thời Hasmonean. Trong triều đại Hasmonean, Jerusalem đã giành được địa vị địa chính trị của mình.

Trong quá trình khai quật ngôi làng, các nhà khảo cổ học thuộc Cơ quan Cổ vật Israel đã phát hiện nhiều mảnh lọ vỡ, cũng như một thùng chứa nước và các mỏ đá. Di tích của ngôi làng được tìm thấy bên dưới khu vực Sharafat gần Jerusalem.

Trước đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện chứng cứ về các bồn tắm và các khu dân cư cổ ở địa điểm này, nhưng phát hiện về một hầm chôn cất đa thế hệ - phát hiện quan trọng nhất cho đến nay – cho thấy ngôi làng có thể rộng hơn nhiều so với suy nghĩ của các nhà khảo cổ.

Có thể tới hầm chôn cất qua một hành lang dẫn tới một sân nhỏ có các hình khắc đá, một cái ghế dài bằng đá và một lối vào hang chôn cất nhiều ngăn. Một số yếu tố trang trí bằng đá thể hiện sự khéo léo thường chỉ được tìm thấy ở những tòa nhà đồ sộ hoặc các khu chôn cất của những gia đình giàu có.

Ya'akov Billig, trưởng nhóm khai quật và là nhà khảo cổ học thuộc Cơ quan Cổ vật Israel cho biết: “Có vẻ khu chôn cất này thuộc về một gia đình giàu có hoặc nổi bật trong thời Hasmonean. Khu chôn cất được sử dụng cho vài thế hệ là điều phổ biến ở khu vực này”.

Những phát hiện mới nhất cho thấy các nhà khảo cổ học chỉ mới tìm thấy một phần nhỏ của ngôi làng cổ. Các nhà nghiên cứu ước tính còn nhiều di tích hơn nằm dưới đất. Bằng chứng cho thấy ngôi làng này về bản chất là làng nông nghiệp. Cư dân trong làng có khả năng đã sản xuất rượu và dầu ô liu, cùng các sản phẩm khác.

Các cuộc khai quật cũng tiết lộ một chuồng chim bồ câu được khắc trên một bức tường đá. Trong Thời Ngôi đền Thứ hai, giữa năm 516 TCN – 70 SCN, chim bồ câu được nuôi làm lễ vật ở đền, cũng như làm thức ăn. Phân của chúng được dùng làm phân bón.

Các nhà chức trách của Cơ quan Cổ vật Israel hiện đang cân nhắc có nên đưa một số đồ tạo tác khai quật được ra triển lãm công chúng hay không.

Lộc Ninh (Theo UPI)