Phát hiện loài khủng long không chỉ chạy và bay trên mặt đất mà còn... biết bơi

(Dân trí) - Các nhà cổ sinh vật học đã tìm thấy hóa thạch của một con khủng long với hàng loạt đặc điểm rất khác thường, bao gồm chân vịt dùng để lội nước, "móng kẻ săn mồi" hình lưỡi liềm và một cái cổ giống như thiên nga.


Hóa thạch tiết lộ về lối sống nửa thủy sinh của loài ăn thịt thời tiền sử.

Hóa thạch tiết lộ về lối sống nửa thủy sinh của loài ăn thịt thời tiền sử.

Theo các nhà khoa học, Halszkaraptor escuilliei đã từng là một loài ăn thịt nửa thủy sinh, sử dụng chân trước “giống chân vịt” để khéo léo di chuyển trong nước như chim cánh cụt. Halszkaraptor là họ hàng của Velociraptor (chim săn mồi tốc độ) khét tiếng, một chi khủng long thuộc họ Dromaeosauridae từng tồn tại vào cuối kỷ Creta, khoảng 83 đến 70 triệu năm trước

Khám phá này là bằng chứng đầu tiên cho thấy khủng long ăn thịt đã xuống nước để tìm kiếm con mồi.

Một nhóm các nhà nghiên cứu đã xác định được loài khủng long mới này dựa trên một mẫu vật hóa thạch từ các tầng hóa thạch giàu có của Mông Cổ. Trước khi được trao cho các nhà cổ sinh vật học, hóa thạch này nằm trong các bộ sưu tập cá nhân đã được xuất khẩu trái phép từ Mông Cổ.

Mặc dù danh tiếng của khu vực như là một nguồn phong phú cho khám phá loài khủng long, sự kết hợp của các đặc điểm bất thường được tìm thấy trong loài mới này đã làm các nhà cổ sinh vật học nghi ngờ nó là giả.

Tiến sĩ Andrea Cau, từ Bảo tàng Địa chất Capellini ở Bologna, Italy, chia sẻ trên mirror: "Lần đầu tiên tôi kiểm tra mẫu vật, tôi thậm chí còn nghi ngờ liệu đó có phải là hóa thạch chính hãng hay không”.

Tuy nhiên, các bản quét chi tiết của hóa thạch đã khẳng định nó là thật, và cho thấy một lối sống khác thường của loài ăn thịt 75 triệu năm tuổi.

Dennis Voeten, nhà cổ sinh vật học và nghiên cứu sinh tại Cơ quan bức xạ synchrotron châu Âu, nơi thực hiện nghiên cứu cho hay: "Chúng tôi nghĩ nó là động vật lưỡng cư. Con vật rõ ràng vẫn có khả năng đi trên đất liền, nhưng giải phẫu các chi của nó cho thấy chúng hoạt động giống như chân vịt.

"Các xương này được làm phẳng, và đây là điều mà chúng ta quan sát thấy ở những con chim sử dụng các chi để " bay dưới nước ".

Mặc dù loài khủng long có thể thiếu khả năng lặn dưới nước kéo dài, nhưng sự thích nghi này cho thấy nó có khả năng di chuyển trong nước như những con chim thủy sinh hiện đại.

"Thêm vào đó, trong chính miệng của nó, chúng tôi đã tìm thấy một mạng dây thần kinh - một cơ sở thần kinh – giống với cá sấu. Đặc điểm này cho phép cá sấu phát hiện mồi dưới nước.

Các đặc tính thủy sinh khác được xác định bởi nhóm nghiên cứu tại Synchrotron châu Âu bao gồm cổ thon dài giống thiên nga và một số lượng lớn răng, cả hai đều được coi là thích nghi để bắt con mồi trơn và di chuyển nhanh dưới nước.

Đào Hiền (Theo Independent/Mirror)