Phát hiện loài chó là bạn đi săn của người tiền sử

(Dân trí) - Trước khi loài chó trở thành người bạn của chúng ta, chúng là loài vật cùng đi săn mồi với con người. Một nghiên cứu về 100 điểm chôn cất chó cổ đại ở Nhật Bản đã đưa ra bằng chứng xác thực nhất về việc loài chó đã giúp người săn bắn – và có thể có vai trò quyết định trong sự sinh tồn của loài người ở một số nơi trên thế giới.

Phát hiện loài chó là bạn đi săn của người tiền sử - 1

“Cho đến giờ, mọi người vẫn chỉ thường nói suông mà không chứng minh được,” Melinda Zeder cho biết, nhà động vật học cổ đại tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên quốc gia thuộc Viện Smithsonian tại Washington D.C., người không tham gia dự án. Bà nhấn mạnh rằng nghiên cứu này đào sâu vào tài liệu khảo cổ Nhật Bản mà các nhà khoa học nước ngoài ít khi chú ý tới. “Những phát hiện này nằm ở ngay trước mắt.”

Dự án bắt đầu khi sinh viên cao học Angela Perri, khi đó đang ở đại học Durham ở Vương quốc Anh, đi săn một mình. Cô muốn cảm nhận được cách loài chó giúp đỡ người cổ đại trong việc săn bắn, nên cô đã cố gắng hết sức: Năm 2011, cô cùng một nhóm các doanh nhân Nhật Bản đi săn lợn rừng trong khu rừng rậm rạp gần Hiroshima. “Nó rất đáng sợ,” Perri cho biết, giờ là nhà động vật học cổ đại tại viện Max Planck về Nhân chủng học Tiến hóa tại Leipzig, Đức. “Con lợn rừng có tiếng kêu như tàu hoả. Chúng rất hung dữ, và chúng có những chiếc răng nanh rất dài. Bất cứ lúc nào nó cũng có thể lao vào người bạn.”

Nhưng chính lũ chó mới gây ấn tượng mạnh nhất. Những người đi săn đã mang theo một đàn khoảng năm con chó săn và Shiba Inus – một giống chó tầm trung với khuôn mặt giống cáo – để chúng lao vào khu rừng để tìm dấu vết con mồi. “Sao khoảng 10 phút, ta có thể nghe thấy chúng sủa,” Perri cho biết. “Nếu chúng tôi tự tìm lợn rừng có thể sẽ mất đến 4 tiếng.” Một khi những người đi săn đã đuổi kịp, những chú chó còn tỏ ra có giá trị hơn, chúng cảnh báo khi lũ lợn rừng đến gần và bảo vệ con người.

Được truyền cảm hứng, Perri bắt đầu tìm kiếm những bản báo cáo khoa học bằng Tiếng Nhật về loài chó cổ đại. Cô tập trung vào nền văn hóa Jomon, một nhóm săn bắn hái lượm đã sống ở quần đảo này khoảng từ 16,000 đến 2,400 năm trước. Người Jomon sống ở những đảo phía bắc giống Bắc cực của Nhật Bản, sống nhờ cá heo và cá voi, trong khi những người sống từ vùng phía nam nóng bức hơn lại sống nhờ nghề đánh cá truyền thống. Những người sống ở giữa – ở bờ biển phía đông của đảo lớn nhất của Nhật Bản, đảo Honshu – thu thập sò nhưng chủ yếu sống nhờ khu rừng.

Ban đầu, nơi đây là những khu rừng thông lạnh lẽo với những động vật lớn như voi và bò rừng. Sau đó, khi trái đất ấm lên vào đầu kỉ Holocene, khoảng 10,000 đến 12,000 năm trước, rừng thông được thay thế bằng những cây sồi, cây phong và cây bạch dương, các loài thú cũng nhỏ hơn như hươu hoặc lợn rừng.

Perri giải thích rằng, loài chó đã rất được coi trọng trong rừng cây Holocene, vì chúng rất lí tưởng để tìm dấu vết, đuổi bắt và giữ những con mồi nhỏ hơn. Và thật sự thì đó là những gì cô tìm thấy trong những tài liệu khảo cổ Nhật Bản. Bắt đầu khoảng 9.000 năm trước, những người Jomon trên đảo Honshu bắt đầu chôn người bạn đồng hành của họ, những chú chó cổ đại, trong những hố sò, gồm những đống vỏ sò lớn nơi mà họ thường chôn người chết. Giống như con người, những chú chó (có thể đã được gọi là Shiba Inus) đã được đặt riêng và có vẻ như được đặt trong những tư thế đặc biệt. “Trông chúng như thể chúng đã cuộn tròn lại và đi ngủ,” Perri cho biết. Một số con đã phải chịu những vết thương do săn bắn – gãy chân và răng – và rất nhiều đoạn xương của chúng đã liền lại, cho thấy rằng con người đã chăm sóc chúng. Một số còn được tìm thấy với những vật phẩm trong ngôi mộ, như vòng tay bằng vỏ sò và sừng hươu. “Họ đối xử với lũ chó giống như cách họ đối xử thợ săn,” cô cho biết.

Perri đã phát hiện tổng cộng 110 nơi chôn cất, đến khoảng 2500 năm trước, khi người dân chuyển sang làm nông nghiệp. Sau đó, loài chó xuất hiện trong những báo cáo khảo cổ như những đống xương bất kì, thường là đã được chặt ra, cho thấy rằng chúng chỉ đơn giản là bị ăn thịt và vứt xương đi. Những quần thể người Jômn ở phía bắc và phía nam cũng thế, họ không cần loài chó để săn bắn.

Sự thật rằng loài chó Nhật Bản chỉ được tôn thờ trong khoảng thời gian và ở những nơi chúng có thể trở thành trợ thủ săn bắn cho thấy chúng thực sự có vai trò như vậy, theo báo cáo của Perri trong tờ Antiquity phát hành tuần này. Cô cũng chỉ ra một cái chuông đồng 2500 năm tuổi được tìm thấy ở bờ biển phía đông đảo Honshu được khắc chữ nói về sự kiện: một con lợn rừng bị vây quanh bởi một người thợ săn và đàn chó của anh ấy.

“Tôi nghĩ đây là một điều hoàn toàn có thể xảy ra và rất hợp lí,” Darcy Morey cho biết, một nhà động vật học cổ đại tại đại học Radford tại Virginia, ông đã từng nghiên cứu các ngôi mộ của loài chó cổ đại. Nhưng ông còn cho biết: “Nó vẫn còn mang tính hạn hẹp – chưa có minh chứng rõ ràng.” Ông nói rằng có thể người Jomon vào thời điểm đó, tại khu vực đó, đã tôn thờ loài chó vì những phong tục tâm linh hay vì một lí do nào khác, chứ không phải vì khả năng săn bắt của chúng.

Zeder cũng đồng tình rằng người Jomon cũng ít vận động hơn những người ở vùng phía bắc hay phía nam, và vì thế họ coi trọng loài chó vì khả năng bảo vệ nhà của chúng. Để có thể chứng minh loài chó là trợ thủ săn bắn rõ ràng hơn, bà muốn có những bằng chứng như sự thay đổi của giống chó theo thời gian, mà càng ngày càng có những đặc tính giúp chúng to hơn và nhanh hơn, vì thế nên chúng sẽ đi săn giỏi hơn. Zeder vẫn ghi nhận công sức của Perri trong việc tìm tòi bằng chứng về loài chó là trợ thủ săn bắn chứ không chỉ cho rằng như vậy. “Cô ấy đã tìm được những bằng chứng mà thật sự hỗ trợ cho ý tưởng,” Zeder cho biết.

Về việc tại sao người Jomon lại chấm dứt mối quan hệ đặc biệt với loài chó khi họ chuyển sang trồng trọt, Zeder nói đó có thể là sự khác biệt trong tính trung thành. “Con người giống như những người bạn phản phúc – chúng ta không đáng tin như loài chó,” bà cười. “Chúng ta nên học tập loài chó nhiều hơn.”

Vân Trang (Theo Scienmag)