Phát hiện hàng trăm công trình cổ đại ở các miệng núi lửa Ả Rập

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu đã sửng sốt khi phát hiện ra 400 công trình bí ẩn ở Ả Rập Saudi có niên đại từ hàng ngàn năm trước.

Phát hiện hàng trăm công trình cổ đại ở các miệng núi lửa Ả Rập - 1

Các chuyên gia hiện vẫn chưa chắc chắn về mục đích của các công trình này, nhưng có một số công trình trông như tấm rèm che cho các vòm nham thạch – những nơi có hình dạng giống quả đồi do dung nham khô tạo thành ở gần núi lửa.

Các bức tường đá – được gọi là “cổng” vì chúng trông giống với cánh cổng khi nhìn từ trên không- đã được tìm thấy ở khu Harrat Khaybar.

Ông David Kennedy, phó giáo sư Đại học Tây Úc, đã giúp đỡ tìm hiểu những “cánh cổng” này thông qua các bức ảnh vệ tinh, ông cho biết những “cánh cổng” này được xây bằng đá, đó là những bức tường được xây dựng tương đối thấp”.

Theo ông, có vẻ như đó là “những công trình cảnh quan nhân tạo lâu đời nhất”, và “không thể giải thích rõ ràng về mục đích của các công trình đó”.


Harrat Khaybar nhìn từ không gian.

Harrat Khaybar nhìn từ không gian.

Kích thước của những bức tường này rất đa dạng, từ bức tường nhỏ nhất chỉ dài 13 mét cho đến bức tường lớn nhất kéo dài tận 518 mét.

Giáo sư Kennedy cho biết thêm rằng “những “cánh cổng” này gần như chỉ được tìm thấy ở những khu vực đầy nham thạch hoang vắng và không thể sinh sống được do không có nước và cây cối, đó là những nơi không được con người ưa chuộng.

Theo ông Kennedy, cần phải có thêm nhiều nghiên cứu thực địa đối với những “cánh cổng” này để xác định mục đích của chúng.

Trước khi những “cánh cổng” này được phát hiện, bản đồ khu vực Harrat Khaybar do hai chuyên gia về núi lửa Vic Camp và John Roobol lập nên cũng có những cánh cổng và công trình đá.

Theo ông Camp ước tính, những cánh cổng này được xây dựng khoảng 7000 năm trước.

Tuy nhiên, dường như những “cánh cổng của ông Camp” có niên đại lớn hơn so với những “cánh cổng” mới được phát hiện, vì có một số bị dòng dung nham che phủ.

Theo ông Camp, nhóm nghiên cứu “đã thấy một vài khu vực nơi cấu trúc dung nham trẻ hơn lại không có những công trình đá như vậy, mặc dù những khu vực đó vẫn được bao quanh bởi các công trình bằng đá”.

Anh Thư (Theo Express)